Chiếm trên 50% dân số cả tỉnh và số lao động nữ chiếm gần 55%, có thể nói, phụ nữ là lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội. Vì vậy, đòi hỏi người phụ nữ phải được bình đẳng cả trong gia đình và xã hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011– 2020 nhằm đến các mục tiêu: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm khoảng cách giới trong hệ thống chính trị; giảm khoảng cách giới trong kinh tế, lao động, việc làm; tăng sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ. Trên địa bàn tỉnh, công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và đạt được kết qủa thiết thực trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước rút ngắn khoảng cách giới trong hệ thống chính trị, Tỉnh uỷ đã có Đề án số 03 về công tác cán bộ nữ. Qua đó, đội ngũ cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Số cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhà nước ngày càng tăng, đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của tỉnh. Đội ngũ cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt về cơ bản đủ tiêu chuẩn trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị. Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã có 3 nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; cấp huyện đều có Ủy viên Thường vụ là nữ, trong đó có 2 nữ tham gia chức vụ phó Chủ tịch UBND cấp huyện. Năm qua, từ tỉnh đến huyện có từ 21% đến 23,4% cán bộ nữ là trưởng, phó phòng, ban chuyên môn của sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương….Công tác phát triển Đảng viên nữ tiếp tục được quan tâm đúng mức. Năm 2012, toàn Đảng bộ kết nạp mới được 2.385 đảng viên, trong đó có 1.195 đảng viên nữ, đạt trên 50% tổng số đảng viên mới. Ngành giáo dục- đào tạo luôn được xem là ngành có số lượng cán bộ nữ cao nhất trong tỉnh. Năm 2012, toàn ngành có 74% cán bộ là nữ, thì có tới 66,26% cán bộ nữ tham gia quản lý và 69,5% đảng viên là nữ. Với tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý ngày càng tăng, điều đó khẳng định sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ nữ tỉnh nhà, đồng thời còn thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp trong công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Không chỉ tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, những năm qua tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để tạo việc làm cho lao động, nhất là ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động nữ. Với các chương trình đầu tư phát triển kinh tế, xã hội đã góp phần ổn định việc làm và tạo thêm chỗ làm mới, nhất là phát triển các cùng kinh tế trọng điểm (khu, cụm công nghiệp, đô thị mới); quan tâm hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân với các chương trình, dự án chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn: phát triển chăn nuôi bò, lợn, cải tạo vùng trũng để nuôi trồng thuỷ sản…Đối với những địa phương thừa lao động, thiếu đất canh tác có điều kiện chuyển dân đi xây dựng vùng kinh tế mới…Một trong những chủ trương của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho người lao đông có thêm thu nhập, nhất là lao động nữ, đó là công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm có thời hạn ở nước ngoài và tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yên cầu của thị trường…. Với những cơ chế, chính sách tạo điều kiện của tỉnh đã góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực linh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Trong năm 2012, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 19.671 lao động, trong đó, lao động nữ chiếm 53%. Có trên 30% phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, phụ nữ Vĩnh Phúc đã và đang tiến tới bình đẳng giới trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo; y tế; văn hoá - thông tin và cả trong gia đình. Mong muốn xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” không chỉ là của người phụ nữ mà đã thu hút được sự quan tâm, đồng tình tham gia của nam giới. Chính vì vậy, tình trạng bạo lực, bạo hành trong gia đình đối với phụ nữ từng bước được hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 100 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, số vụ bạo lực gia đình cũng như tính chất nghiêm trọng của các vụ bạo lực gia đình giảm dần. Để năm 2013 là năm “An toàn cho phụ nữ” và người phụ nữ được bình đẳng trọng mọi lĩnh vực của đời sống, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nâng cao hơn nữa về nhận thức, thái độ và hành vi trong bình đẳng giới. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý và các dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực bình đẳng giới, nhất là khu vực nông thôn, miền núi…Bên cạnh đó, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của cá nhân mỗi phụ nữ, từng gia đình và toàn xã hội để các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả. Hoàng Nga |