Gia đình cụ ông Hoàng Văn Tám ở thôn Đậu - xã Định Trung (Vĩnh Yên) là một gia đình truyền thống điển hình 4 thế hệ với 9 người dâu - rể, gái - trai, cháu - chắt cùng chung sống dưới một mái nhà. Trên nền đất cũ của cha ông để lại, ngôi nhà năm gian mới đã được xây dựng khang trang, tiện nghi, thế nhưng có một điều mà bao nhiêu năm nay chưa hề thay đổi dưới nếp nhà ấy - đó chính là tình cảm, hòa khí gia đình. Mặc dù đã bước sang tuổi 91 nhưng cụ Hoàng Văn Tám vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Ngần ấy tuổi đời, cụ đã cùng bao lớp thế hệ con cháu trải qua những thăng trầm cuộc sống, đã từng chứng kiến bao cuộc tiễn đưa của đời người, trong đó, có cả những người ruột thịt. Hơn ai hết, cụ hiểu và càng trân trọng những giá trị của hạnh phúc gia đình. Với cụ, niềm vui của ngày tuổi già là không gì bằng ngày ngày nhìn thấy con cháu trong gia đình sống khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, hiếu thuận với người trên. Thế nhưng, trong cụ chưa bao giờ nguôi đi sự trăn trở làm sao để duy trì được những tình cảm tốt đẹp đó, để giữ cho ngọn lửa gia đình không tắt. Cụ Tám sinh được năm người con, người con trai cả lập nghiệp ở xa, ba người con gái lớn lên cũng xuất giá theo chồng. Hai vợ chồng cụ ở với người con thứ là Hoàng Văn Minh từ mấy chục năm nay. Chị Trường (vợ anh Minh) về làm dâu trong gia đình ấy, rồi ba đứa con lần lượt ra đời, gia đình thêm tiếng trẻ thơ, các con khôn lớn, gia đình thêm miệng ăn, những năm tám mươi, điều kiện kinh tế khó khăn, chật vật... thế nhưng không vì đó mà tình cảm gia đình rạn nứt. Cùng đi qua những ngày gian khó, những con người nơi mái nhà ấy lại càng gắn bó, bao bọc chia sẻ với nhau nhiều hơn. Sự hiếu thuận của một người con dâu với bố mẹ chồng chưa bao giờ lặng tắt, sự mẫu mực, bản tính tận tụy, chịu thương chịu khó của một người phụ nữ chưa bao giờ rời đi trong con người chị Trường. Để rồi, các con lớn lên, đều hiểu và biết thương hơn ông bà, cha mẹ, chăm ngoan, học tốt, anh em chung sống thuận hòa dù phải trải qua những ngày tháng chia từng bát cơm độn đầy khoai sắn, mặn chát mồ hôi, nước mắt mẹ cha. Người con cả của vợ chồng anh Minh rồi cũng đến ngày thành gia, lập thất. Cứ ngỡ rằng, giữa nhịp sống công nghiệp hiện đại, hối hả hôm nay, thế hệ vợ chồng trẻ như con anh Minh sẽ chuộng cuộc sống riêng tư và sẽ tổ chức cuộc sống theo mô hình gia đình nhỏ hai thế hệ. Thế nhưng, trưởng thành từ một gia đình có gia giáo, nền nếp, người cháu trai và người cháu dâu luôn ý niệm được những giá trị tốt đẹp, tình cảm thiêng liêng của gia đình, và rồi thêm một đôi vợ chồng trẻ lại về thổi gạo, nấu cơm chung dưới nếp nhà ấy, tiếp tục kế thừa và phát huy nền nếp văn hóa tốt đẹp từ cuộc sống chung với ông bà, cha mẹ. Bởi, đó không chỉ là nếp sống truyền thống, mà đó còn là nét đẹp của gia đình Việt Nam, nét đẹp của văn hóa của dân tộc. Con dâu của vợ chồng anh Minh và chị Trường là một người phụ nữ hiện đại, năng động, tháo vát, nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên khí chất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống: hiền thục, dịu dàng, hiếu thảo, nhân hậu. Trong gia đình, ở vai trò là một người vợ, người dâu, người mẹ, người bà... chị Trường luôn biết dung hòa các mối quan hệ, là sợi dây gắn kết các thành viên để mọi người có thể cùng nhau chung sống hòa thuận, hạnh phúc bên đại gia đình, dạy dỗ con cháu bằng chính tấm gương hiếu thuận của bản thân mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời như cụ Tám, hằng ngày, nhìn thấy con cháu đông vui cùng quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm, nỗi mong mỏi bao ngày trong lòng cụ như được thỏa nguyện. Cụ bảo: “Giữ đoàn kết trong gia đình không khó, quan trọng là người lớn phải mẫu mực để làm gương cho con, cháu. Cuộc sống gia đình không tránh khỏi những khó khăn, bất hòa, nhưng phải luôn cố gắng nhường nhịn, vun đắp hạnh phúc, để các con, các cháu trưởng thành trong tình yêu thương, hòa thuận. Có như vậy, sau này khi khôn lớn, các cháu mới sống có nhân cách, hòa nhã, bao dung với mọi người". Không chỉ nói lý thuyết suông, cụ còn thể hiện những quan điểm đó qua từng cung cách ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày. Bất kỳ hoàn cảnh nào, cụ cũng chưa bao giờ lớn tiếng hay đánh mắng các con, mà luôn giữ thái độ ôn hòa đúng mực. Vì dù biết rằng “thương cho roi cho vọt”, nhưng với cụ, một lời nói nhẹ nhàng, ý nghĩa, một cử chỉ ân cần đúng lúc, còn hiệu nghiệm hơn là sự trách mắng, đòn roi. Từ tấm gương người cha, người ông nhân từ, các con cụ cũng từ tốn, nhẹ nhàng dạy bảo các con mình, càng thêm kính yêu người cha, người ông ấy. Không chỉ dạy bảo các con biết đối nhân xử thế trong cuộc sống, cụ Tám còn động viên con cái chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vì đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để giữ gìn mái ấm gia đình hạnh phúc. Bản thân cụ dù tuổi cao nhưng hằng ngày, cụ vẫn đỡ đần con cháu những phần việc gia đình như chăm nom nhà cửa, cùng các con tham gia phát triển kinh tế gia đình, chăn nuôi gà vịt. Ông Nguyễn Văn Viên - Phó Trưởng thôn Đậu cho biết: “Nhiều năm liền, gia đình cụ Tám được tặng danh hiệu Gia đình văn, là một trong số gia đình văn hóa điển hình ở địa phương. Gia đình luôn sống hòa nhã với mọi người, tình làng nghĩa xóm sâu nặng, xứng đáng là tấm gương để những người xung quanh học hỏi, noi theo”. Bài, ảnh Hoàng Cúc |