Chính vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với toàn xã hội, đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; phản ánh kịp thời, đúng đắn ý chí, nguyện vọng cùng những thành tích, sáng kiến, kinh nghiệm của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngày 28/2/1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW (Chỉ thị 11) về việc mua và đọc, báo tạp chí của Đảng. Quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị 11, ngày 18/7/1998, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị số 08/CT-TU (Chỉ thị 08) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trong toàn Đảng bộ. Tiếp đó, để tăng cường hiệu quả việc thực hiện các chỉ thị, ngày 15/8/2005, Tỉnh ủy có Thông tri về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 và Chỉ thị 08. Như vậy, những quy định về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, trong đó có Báo Vĩnh Phúc đã có hành trình khá dài. Trong thời gian đó, Tỉnh ủy đã tiến hành 2 hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị (năm 2002 và 2005). Nhìn chung, công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị đã được các cấp, các ngành coi trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về việc mua và đọc báo Đảng. Việc đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng đã trở thành một thói quen khá phổ biến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, sản lượng các loại báo và tạp chí, đặc biệt là Báo Vĩnh Phúc không ngừng được tăng lên (so với năm 1998, sản lượng Báo Vĩnh Phúc đã tăng từ gần 3.000 tờ/kỳ, lên hơn 5,5 nghìn tờ/kỳ, năm 2013). Ở một số ngành, địa phương, do có sự quan tâm, lãnh chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, nên việc mua, đọc báo đã duy trì thành nề nếp khá tốt, với số lượng đặt mua cao: Phường Trưng Trắc, phường Xuân Hòa (thị xã Phúc Yên), xã Yên Đồng (Yên Lạc); xã Thái Hòa (Lập Thạch); phường Khai Quang (Vĩnh Yên); xã Nghĩa Hưng, Ngũ Kiên, Phú Đa, Thổ Tang, Tứ Trưng, Vĩnh Sơn, Việt Xuân (Vĩnh Tường)… Báo Đảng đã đến được với đông đảo bạn đọc là cán bộ, đảng viên, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân, đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, góp phần tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo tạp chí của Đảng trở thành công cụ đắc lực nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ pháp luật, vận dụng kiến thức khoa học – kỹ thuật – xã hội… vào sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, việc mua và đọc báo Đảng trong thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Sản lượng phát hành báo của Đảng bộ so với quy định của các chỉ thị đạt tỷ lệ rất thấp (năm 2004, đạt 20%); năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 đạt xấp xỉ 30%. Đáng lưu ý, tại thời điểm này, theo khảo sát của Báo Vĩnh Phúc còn có 192/651 chi, đảng bộ cơ sở không đặt mua báo Vĩnh Phúc, trong đó, có cả những chi, Đảng bộ thuộc các phòng, ban trực thuộc một số huyện, thành, thị. Cá biệt, vẫn còn khá nhiều xã, phường chỉ đặt mua 01 tờ báo Nhân dân, 01 tờ Vĩnh Phúc/hàng kỳ trong năm… Trong khi đó, tính chung trong toàn tỉnh, riêng báo Vĩnh Phúc, số lượng cần phải đặt mua cho các đối tượng theo yêu cầu của các chỉ thị, đến thời điểm này còn thiếu trên 4.500 tờ/kỳ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa quán triệt và triển khai nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị 11 và Chỉ thị 08; có nơi xem nhẹ, buông lỏng sự lãnh, chỉ đạo việc mua, đọc báo Đảng, thậm chí, sử dụng nguồn kinh phí để mua báo, tạp chí có lúc, có nơi chưa hợp lý, chưa đúng quy định; công tác kiểm tra việc sử dụng kinh phí mua báo Đảng chưa được thường xuyên. Việc mua và đọc báo Đảng chưa trở thành một tiêu chí, một phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương; công tác tổng kết, rút kinh nghiệm chưa được quan tâm. Cá biệt, có nhiều ý kiến quan niệm không đầy đủ về báo mạng, nên cho rằng, đã có báo trên Internet thì không cần phải đặt mua báo giấy, báo in?! Thời gian gần đây, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự bùng nổ thông tin; các thế lực phản động, thù địch tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Internet để chống phá Đảng, Nhà nước thì việc chủ động thông tin, định hướng dư luận thông qua báo Đảng là rất quan trọng. Đồng thời, để chấp hành nghiêm các yêu cầu Chỉ thị 11, 08 và mới đây là Kết luận Số 29 – KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 25/8/2012 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về mua và đọc báo tạp chí của Đảng; để việc mua và đọc báo Đảng nói chung và báo của Đảng bộ nói riêng trở thành phong trào, trở thành việc làm thiết yếu hàng ngày ở từng chi bộ, từng đảng viên, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi đảng viên cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần các chỉ thị; tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên về vị trí, vai trò của báo Đảng trong tình hình hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc mua, đọc và làm theo báo Đảng, đưa việc mua, đọc và làm theo báo Đảng là tiêu chí xét đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng hàng năm. Kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phê bình các tổ chức Đảng chấp hành không nghiêm các chỉ thị và kết luận về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Bên cạnh đó, khẩn trương khắc phục ngay việc sử dụng kinh phí mua báo Đảng chưa phù hợp, đảm bảo kinh phí mua đủ báo Đảng hàng kỳ, kiên quyết không vì lý do khó khăn về kinh phí mà không thể đặt mua đủ báo Đảng, hoặc quá ít, không đủ cho các đối tượng. Cùng với đó, các cơ quan liên quan như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh, cần tăng cường sự phối hợp, tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, để việc mua, đọc và làm theo báo Đảng của Đảng bộ ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đình Quang |