Tìm người giúp việc tưởng chừng rất đơn giản xong thực tế để tìm được người giúp việc phù hợp với gia đình lại vô cùng khó khăn. Nghề giúp việc gia đình không phân biệt tuổi tác, với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng một tháng, công việc mà họ phải làm là lo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ, giữ trẻ…,được chủ nuôi ăn ở, công việc có thể nhẹ nhàng hơn công việc đồng áng ở quê, vì vậy, nhiều phụ nữ nông thôn đã chọn nghề này. Đối với gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc, họ luôn mong muốn tìm được người làm biết sử dụng thành thạo, bảo quản an toàn những thiết bị hiện đại, từ bếp gas, bàn ủi, máy giặt, máy hút bụi… cùng nhiều thiết bị tiện nghi phục vụ sinh hoạt khác của gia đình. Để tuyển được người làm việc lâu dài, đa số các gia đình đều nhờ sự giới thiệu của người quen. Cũng có thể qua các trung tâm môi giới lao động, nhưng nguồn cung này mang tính “hên xui”, có khi chủ nhà phải chi không ít tiền nhưng vẫn không tìm được người vừa ý. Chị Nguyễn Thị Vân Anh ở phường Đống Đa cho biết: “ Gia đình chị có bố mẹ già và 2 con nhỏ, vợ chồng chị đi làm cả ngày nên chị phải thuê người giúp việc gia đình, người giúp việc gia đình chị là do chị nhờ người quen giới thiệu nên chị yên tâm giao toàn bộ việc chăm sóc bố mẹ và 2 con để đi làm”. Bên cạnh đó, còn có nhiều gia đình mất nhiều thời gian mà không tìm được người giúp việc theo ý muốn, chị Trần Thị Giang chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, tôi đã tìm được 3 người lao động giúp việc, nhưng không lao động nào ở lại gia đình làm việc lâu dài được. Không chỉ chủ nhà kén người lao động giúp việc, mà hiện nay, người giúp việc cũng kén gia đình mà mình nhận làm, nghề giúp việc gia đình cũng lắm nỗi gian truân. Bác Nguyễn Thi Chế, một người giúp việc tâm sự: Tôi làm nghề này gần 7 năm nay và đã làm cho nhiều gia đình. Cũng có gia đình tôn trọng, đối đãi tử tế, nhưng cũng có không ít người quan niệm chưa đúng, coi chúng tôi là người ở, làm việc nhiều mà lương thì hưởng ít. Nhiều người còn trừ tiền lương nếu không may làm hỏng, vỡ đồ gia dụng. Khi đến nhà chủ làm việc, hầu hết chúng tôi chỉ thỏa thuận “miệng” nên khi chủ không vừa ý là thẳng thừng đuổi khỏi nhà, trừ tiền lương. Cực chẳng đã mới phải theo nghề này…Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, người giúp việc để lại những ấn tượng đặc biệt đối với nhà chủ, được chủ nhà giúp đỡ lúc khó khăn… Bác Trần Thị Hiền, một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho biết: bên cạnh việc sử dụng thành thạo các đồ vật trong sinh hoạt gia đình, người làm nghề này cần có phẩm chất tư cách tốt, tôn trọng việc riêng của chủ nhà, thật thà, không tham lam, siêng năng, tự giác làm việc… đặc biệt người làm nghề này phải thật sự tự tin, đây là công việc dịch vụ, mình đang phục vụ khách hàng là các gia đình. Một công việc chân chính kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Mặc dù, chưa có số liệu thống kê về số người làm nghề giúp việc trên địa bàn tỉnh, nhưng thực tế, có rất nhiều người đang tham gia nghề này. Đối tượng chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi lao động. Họ thường đến các trung tâm thành phố như Vĩnh Yên, Hà Nội… Qua tìm hiểu được biết, hầu hết người tham gia nghề giúp việc gia đình đều chưa qua các lớp đào tạo, hướng dẫn về các kỹ năng như giao tiếp, sử dụng đồ gia dụng, chăm sóc trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mình. Vì thế, trong thời gian qua, trung tâm Giới thiệu việc làm Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về nghề này, nhằm trang bị cho người lao động giúp việc những kiến thức cơ bản trước khi vào nghề. Để thực hiện vấn đề này, các trung tâm dạy nghề cũng cần phải nghiên cứu và phân tích cụ thể về nhu cầu của thị trường lao động liên quan đến nghề, đồng thời cần có chương trình giảng dạy phù hợp, thiết thực để đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, cả người có nhu cầu thuê và người muốn tìm việc làm đều chưa nắm rõ luật, chưa hiểu được các điều khoản, quy định về nghề. Vì thế mà đang hình thành nên mối quan hệ “chủ- tớ”, hai bên không hiểu nhau. Theo Bộ Luật Lao động, từ ngày 1-5-2013, giúp việc gia đình được coi là một nghề, được pháp luật bảo vệ khỏi sự phân biệt, đối xử, lạm dụng, bóc lột. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có quy định chung chung về quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của người giúp việc đối với chủ nhà và ngược lại. Chế tài xử lý vi phạm, mức xử phạt; việc giám sát, hòa giải, thanh, kiểm tra; giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động... vẫn chưa được hướng dẫn và triển khai cụ thể, vì thế người đi thuê và người giúp việc gia đình đang rất cần những hướng dẫn để bảo đảm quyền lợi cũng như hiểu rõ trách nhiệm của mình. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến về Luật, các quy định về nghề giúp việc... sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, để giúp việc gia đình thực sự là một nghề trong xã hội… Bài, ảnh Thu Hồng |