Tam Đảo là một huyện miền núi, nơi có 8 đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc bình xét công nhận các danh hiệu thi đua của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, các gia đình, dòng họ, thôn, bản hàng năm. Đồng thời, mỗi địa phương trong huyện cũng đề ra nhiều biện pháp khôi phục và bảo tồn nét đẹp truyền thống trong việc cưới nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 701 đám cưới, 100% đám cưới thực hiện đúng quy định của pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh. Việc cưới hỏi trước đây gồm các bước dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới và lại mặt nhưng nay đã giản tiện đi nhiều và được tổ chức gọn nhẹ, lễ dạm ngõ trở thành buổi thăm hỏi bình thường giữa hai gia đình, không còn hiện tượng thách cưới, khách mời chủ yếu là họ hàng, bạn bè thân cận của cô dâu chú rể và bố mẹ. Đa số các đám cưới đều tổ chức trong 1- 1,5 ngày, trong đám cưới không dùng thuốc lá mời khách, tình trạng lạm dụng bia rượu đã giảm, nạn đánh bạc cũng dẹp bỏ, trang phục cô dâu chú rể được chú trọng mang nét đẹp văn hóa truyền thống. Việc đăng ký kết hôn được UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ, đúng luật, chấp hành tốt các quy định. Xu hướng đơn giản hoá các thủ tục, nghi lễ trong việc tổ chức lễ cưới được nhân dân thực hiện tốt. Do vậy, đã khắc phục được tình trạng lợi dụng tiệc cưới để trục lợi. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, việc tổ chức cưới hỏi đã có chuyển biến rõ nét. Đồng bào không còn thách cưới bằng bạc trắng, rượu, thịt, trâu, bò... như trước đây mà tổ chức những đám cưới đơn giản, tiết kiệm nhưng vui vẻ, hạnh phúc, phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình, phong tục của địa phương, không nghi lễ rườm rà, tình trạng cướp vợ. Các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cơ sở phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện về mọi mặt để giúp đỡ, vận động đoàn viên, thanh niên, hội viên là đội ngũ tiên phong thực hành, thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới. Nếu trước đây, đồng bào dân tộc Sán Dìu tổ chức lễ cưới, họ hàng, nam nữ hai gia đình ăn uống giao lưu văn nghệ từ 3- 4 ngày; trong ngày rước dâu, bạn bè của chú rể phải hát đối thắng bạn của cô dâu thì mới được đón dâu, anh trai cô dâu đưa em gái về nhà, trên đường về anh trai cõng cô dâu qua các con suối, kênh mương, cùng nhiều lễ nghi cúng bái gây lãng phí, mất thời gian, nay những nghi lễ, hủ tục này đã được loại bỏ. Có được những kết quả trên, Huyện ủy Tam Đảo đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện chỉ thị: Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, thành lập BCĐ, tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai nội dung của chỉ thị đến các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị trong huyện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức hội thảo, toạ đàm, sinh hoạt chuyên đề về nếp sống văn minh trong việc cưới; tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đoàn viên thanh niên chuẩn bị xây dựng gia đình; gặp gỡ vận động các bạn trẻ lựa chọn hình thức tổ chức lễ cưới phù hợp Đồng chí Đỗ Quốc Trọng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đảo cho biết: Việc cưới theo nếp sống văn minh vừa tiết kiệm về kinh tế, cả thời gian, nên các địa phương, nhất là ở các xã miền núi thực hiện. 100% gia đình đều được thực hiện theo nếp sống văn minh, mỗi đám cưới tiết kiệm từ 2 - 3 triệu đồng. Trang phục cô dâu, chú rể phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc, nhiều cặp cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc mình trong ngày cưới, lễ cưới tổ chức văn minh tiết kiệm, phù hợp với điều kiện từng gia đình, không mở nhạc sau 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng hôm sau. Từ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn hoá trong thời kỳ mới, mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện luôn tiên phong thực hiện và vận động gia đình, nhân dân nơi cư trú cùng thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy ý thức trách nhiệm công dân. Vì vậy, đã góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, các phong tục tập quán lạc hậu từng bước bị loại bỏ, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn, phát huy, bước đầu hình thành những nét văn hoá mới, văn minh, phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, hoạt động ngày càng vững mạnh. Thu Hồng |