Văn hóa tâm linh được ví như sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện. Các tôn giáo dù có khác nhau về giáo lý, song đều có điểm chung là tinh thần nhân ái, khoan dung, triết lý nhân văn. Văn hóa tâm linh là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn và nó tạo nên sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc. |
 |
Đình làng Yên Lạc, xã Đồng Văn (Yên Lạc) di tích lích sử văn hóa quốc gia mới được trùng tu năm 2012, trị giá hơn 3,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. | |
Trong khu chùa Biện Sơn khang trang, mát mẻ và uy nghiêm, Đại đức Thích Minh Pháp, Trụ trì chùa Biện Sơn cho biết: Từ khi con người xuất hiện trên trái đất và có ý thức thì hiện tượng tâm linh đã bắt đầu hình thành và phát triển. Ngày nay, xã hội đã có cuộc sống văn minh hơn rất nhiều. Tuy vậy, đời sống văn hóa tâm linh vẫn không thể thiếu trong đời sống cộng đồng và văn hóa tâm linh được xem như là một sự cứu rỗi linh hồn. Từ người già đến trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, trí thức vẫn thường xuyên xuất hiện ở các đình, đền, miếu mạo, chùa chiền, nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài… nhất là các ngày lễ, tết để thắp hương tưởng nhớ người thân, các vị thần, anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước đã ở bên kia thế giới trần gian, cầu ban phúc lành, cầu may. Dù chưa có một cuộc khảo sát khoa học nào để chứng minh cho thấy việc khấn vái như là một liều thuốc tiên trị được “bách bệnh”, nhưng khi con người đến với nơi thanh tịnh linh thiêng ấy, lòng bớt đi sự ưu phiền, thất vọng. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ ở khắp nơi các đình, đền, chùa cho thấy văn hóa tâm linh là một phần không thể thiếu của cộng đồng người Việt. Thông qua những hoạt động văn hoá tâm linh đó, con người ta tự tu tâm, tích đức, làm phúc để đời trở nên tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn, hướng thiện hơn, bớt đi cái ác, cái xấu trong lòng. Hoạt động văn hoá tâm linh đã trở thành một nhu cầu văn hoá lành mạnh, đầy tính nhân văn của người Việt.
Chúng tôi về Đồng Văn, một xã thuần nông ở phía Bắc huyện Yên Lạc, nơi đây vẫn còn hệ thống đình, chùa, miếu mạo đầy đủ nhất huyện Yên Lạc có lịch sử hình thành hàng vài trăm năm. Trong 4 chùa, 2 đình, 1 đền và một miếu hiện có thì có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 1 di tích lịch sử văn hóa tỉnh. Trong 5 năm gần đây, bằng việc xã hội hóa và vận động nhân dân tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng cải tạo, xây mới 4 chùa, 1 đình. Hiện nay, được sự đồng ý của cơ quan chức năng, đang cải tạo xây mới đền thờ Trạng Nguyên Phạm Công Bình, ở làng Yên Lạc. Theo một số cụ cao tuổi trong làng, người dân ở đây rất “mộ đạo”, vì vậy, kinh phí xây dựng đền thờ toàn bộ do nhân dân đóng góp. Từ khi chùa mở rộng, đình trùng tu cải tạo mới, hàng ngày có hàng trăm lượt người đến thắp hương cầu cúng. Bà Trần Thị Nhá, 70 tuổi người đã ủng hộ 100 triệu đồng để xây dựng chùa Lạc Long làng Yên Lạc tâm sự: “Chùa là nơi thờ phật, tôi thấy thanh thản và rất vui vì có nơi để cầu phúc lành cho con cháu”.
Đề cập về văn hóa - du lịch tâm linh, đồng chí Trần Văn Quang, Giám đốc Sở VH-TT&DL đã khẳng định: Vĩnh Phúc là một miền văn hóa tâm linh phát triển từ xa xưa mà đến nay vẫn lưu giữ dấu tích như: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, ở xã Đại Đình (Tam Đảo); Đền Thính (Yên Lạc) và hàng chục đình, chùa lớn mỗi ngày thu hút hàng trăm, ngàn người đến thăm quan, thành kính cầu phúc, cầu lành nhằm để thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tâm linh. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa tâm linh, những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, tu bổ Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, ở xã Đại Đình (Tam Đảo); Văn Miếu Quốc Tử Giám, ở xã Định Trung (Vĩnh Yên); chùa Hà, ở phường Liên Bảo (Vĩnh Yên); chùa Biện Sơn, ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc), Đền Thính, ở xã Tam Hồng (Yên Lạc), và hàng chục chùa lớn trên khắp các địa phương trong tỉnh. Đó là những việc làm có ý nghĩa tích cực, cao đẹp, có tính giáo dục truyền thống rất cao, được lòng dân, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.
Đồng chí Dương Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Bản chất văn hoá tâm linh, hoạt động văn hoá tâm linh là văn hóa tinh thần, không có một người nào, gia đình nào bỏ phong tục thờ cúng trong gia đình hoặc không đến các đình, đền, chùa để cúng bái. Vì vậy, văn hóa tâm linh là phải tích cực, hướng thiện và nhân văn. Văn hóa tâm linh sẽ không thừa nhận cách suy nghĩ, hành vi, hành động trục lợi, vị kỷ, phản nhân văn. Chúng ta khuyến khích các hoạt động văn hoá tâm linh mang ý nghĩa tích cực, có ích cho việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hoá tinh thần, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam; nhưng kiên quyết phản đối, chống lại các hành vi xuyên tạc ý nghĩa vì con người của văn hoá tâm linh. Mặt khác, chúng ta cũng không nên tuyệt đối hoá tâm lý tâm linh, cố tạo ra những hoạt động văn hoá gắn với hoạt động tâm linh để thu hút người tham gia với mục đích kinh tế; đặc biệt, mỗi người cũng tự ý thức không tin tưởng mù quáng, thiếu cơ sở khoa học vào các hiện tượng tâm linh, say mê các sinh hoạt tâm linh không lành mạnh làm tổn hại thanh danh. Hiện tượng xây lăng mộ, làm nhà thờ họ, tổ chức giỗ họ, lễ hội hiện nay ở một số nơi vẫn còn mang nặng tính phô trương, hình thức tốn kém tiền của, gây lãng phí trong lúc kinh tế của một bộ phận không nhỏ của người dân còn khó khăn. Đặc biệt, một số nhóm người lợi dụng văn hóa tâm linh, xuyên tạc đường lối lãnh đọ của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chia rẽ sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân; một số tà đạo mới xuất hiện núp danh Hồ Chí Minh nhân danh phật giáo, hoạt động không lành mạnh, vì vậy mỗi người cần phải cảnh giác cao độ để giữ gìn nét đẹp văn hóa lâu đời của cha ông. Văn hóa tâm linh phải là đạo đức, tình người và sự yêu thương, đùm bọc chia sẻ khó khăn, xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh.
Bài ảnh Hồng Nguyễn