Những làn điệu qua câu hát giao duyên ấm áp, thiết tha tình cảm cất lên hòa với nhịp trống quân âm vang như một lời mời tình tứ, đầy ý nhị khiến lòng người nao nao, xao xuyến mỗi dịp xuân về. Lần theo cảm xúc lời hát dao duyên ấy, chúng tôi tìm về miền quê Đức Bác, huyện Sông Lô - cái nôi của làn điệu trống quân say đắm lòng người trải qua biết bao thế hệ… Từ một huyền tích Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng: Từ thủa xưa, có một lần lũ sông Lô đổ ồ ạt hung dữ đã lấy đi một phần đất của Kẻ Lép (tên gọi cũ xã Đức Bác ngày nay) cắt sang bên Phù Ninh (nay là xóm Thép xã Phù Ninh - huyện Phù Ninh - Phú Thọ). Rồi một ngày kia, cô con gái cả Vua Hùng đi thuyền rồng xuôi dòng Lô giang, rồi đi mãi không về. Bốn cô gái quê Phù Ninh đang độ tuổi tròn trăng đi hái dâu tằm bị dòng nước lũ cuốn trôi. Và chuyện kể về một cô bé được mẹ sinh ra trong giấc mộng, lớn lên theo Bà Trưng đi đánh giặc (nàng tự xưng là Nương công chúa). Thắng giặc trở về, nàng bỗng hoá trên phần đất của Kẻ Lép bên bờ sông Lô. Thấy thiêng quá, dân Kẻ Lép sang bên Phù Ninh xin tên nàng về lập đền thờ. Phải chăng từ đó hai làng ven sông là Phù Ninh và Đức Bác có quan hệ nước nghĩa, để hàng năm người Đức Bác đón người Phù Ninh sang sông làm lễ tế thờ Tứ Vị cô nương cầu hạnh phúc, bình an. Từ những tích đó, mãi về sau này, người ta đặt tên hội là lễ hội khai xuân Cầu Đinh (hay còn gọi là hát trống quân Đức Bác) diễn ra 3 ngày đầu tháng Giêng vào năm làng mở tiệc. Theo thường lệ, ngày mùng Một Tết, đợi đến giữa Ngọ, các chàng trai Đức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ vai đeo trống kéo nhau ra bến quán đón đào sang hội. Điệu hát được đệm bằng trống nhỏ mặt da, tang gỗ có dây đeo bằng lụa hồng. Cuộc giao đối đôi bên diễn ra liên tục suốt từ bến quán đến làng Xốm, rồi về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc. Theo Nghệ nhân Nguyễn Văn Phấn, 93 tuổi, người có niềm say mê, tâm huyết với hát trống quân cho biết: So với các làn điệu trống quân khác của các địa phương thường hát vào các dịp Trung thu thì trống quân Đức Bác có một nét riêng. Đó là lối hát giao duyên mà không gian diễu hành toàn bộ bằng lời hát đối ứng của 3 nam (gọi là kép) là người Đức Bác và 3 nữ ( gọi là đào) người ở Phù Ninh. Ngày hội, bên này sông là các chàng trai Đức Bác ra đón các cô gái từ bên Phù Ninh sang, những lời chào hỏi, đối đáp bằng làn điệu rất ý nhị, truyền cảm. Đây có thể coi là lễ đón rước hoàn toàn bằng âm nhạc mà tiếng trống, điệu hát được hòa quyện mượt mà, ấm áp, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Sự thể hiện lời hát và tiết tấu chính là điểm nhấn hấp dẫn nhất của làn điệu này. Khi hát Trống quân, trai gái thường dùng những ca từ tình cảm, những câu ướm hỏi, thử thách, hoặc bằng lời tâm sự, chia sẻ. Bởi thế mà hát trống quân mang đậm chất trữ tình, tính chất giao duyên sâu sắc. Vì đối đáp, hỏi trả, nên hát Trống quân đòi hỏi người hát phải có tài ứng xử, xuất khẩu thành thơ... nhưng vẫn giữ thái độ phong nhã, ý nhị, lời không vồ vập, lố lăng. Sau mỗi câu hát của chàng trai hay cô gái đều được đệm bằng câu: “Kia hỡi a trống quân”, như một sự khẳng định không quên nguồn cội, gốc rễ, nơi bắt đầu những làn điệu thiết tha, những cung bậc cảm xúc, tình cảm của con người. Cần “giữ lửa” làn điệu trống quân Tìm đến gia đình cụ Triệu Thị Chĩ ở thôn Nam Giáp, một trong những nghệ nhân hát nghệ nhân hát xoan được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng năm 2012, chúng tôi may mắn được gặp và nghe cụ hát lại làn điệu trống quân. Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, tóc đã bạc, đi lại đã khó khăn, nhưng giọng hát của cụ cất lên vẫn trong trẻo và ấm áp, thiết tha :“Đi đâu từ sớm đến giờ/ để cho anh đợi, anh chờ, anh mong/ Bên em còn dở hội chùa/ cho nên em phải sang trưa thế này”. Khi được hỏi về điệu hát trống quân, cụ Chĩ say sưa hát và say sưa kể như được sống lại thời tuổi trẻ với điệu hát giao duyên, chúng tôi mới hiểu trong cụ và những thế hệ của cụ gắn bó và yêu làn điệu trống quân đến như thế nào. Cụ Chĩ cho biết: Hai chị em cụ học hát trống quân từ thuở 12, 13 tuổi. Ngày ấy, những dịp hội làng, thanh niên nam nữ lại nô nức, sửa soạn và tổ chức hát ở sân đình vui lắm. Điệu hát được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thế nhưng, khi đền thờ Tứ vị cô nương bị thực dân Pháp đánh phá năm 1947, người dân không có nơi thờ tự, không có nơi để tụ họp tổ chức lễ hội. Bởi vậy, điệu hát trống quân cũng dần bị lãng quên qua năm tháng. Làm sao để giữ được làn điệu trống quân, để điệu hát này không bị mai một là một trăn trở lớn của thế hệ nghệ nhân già như cụ Chĩ. Ông Lê Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết: Hát trống quân là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đức Bác trong những ngày lễ hội, những sự kiện quan trọng của địa phương. Thế nhưng, những người còn lưu giữ được điệu hát này ở địa phương chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Hiện chỉ còn 3 cụ nhớ và hát được giai điệu cũ là cụ Nguyễn Văn Phấn, 94 tuổi, hai chị em cụ Triệu Thị Chĩ, Triệu Thị Dung năm nay cũng đã 90 tuổi. Phần lớn lứa tuổi thanh niên hiện nay chỉ thích những dòng nhạc trẻ, hiện đại mà không thực sự mặn mà với làn điệu cổ trống quân. Để bảo tồn làn điệu truyền thống, xã cũng đã thành lập một câu lạc bộ và 4 đội hát trống quân ở các thôn: Nam Giáp, Bản Xứ, giáp Thượng, Giáp Trung, Dương Thọ. Những người biết hát sẽ truyền dạy cho lớp trẻ, xã cũng tổ chức những cuộc thi, giao lưu hát trống quân trong những dịp lễ tết. Sở VH-TT&DL cũng chú trọng đến công tác tu bổ, tôn tạo lại các giá trị văn hóa trong đó có việc bảo tồn làn điệu trống quân. Tuy nhiên, để làn điệu trống quân thực sự được gìn giữ, phát triển, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để làn điệu trống quân Đức Bác - một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời, một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, niềm tự hào của người dân Vĩnh Phúc sẽ sống mãi với thế hệ hôm nay và mai sau. Bài, ảnh Phương Loan |