Cùng với thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thêm vào đó là xu hướng hiện đại hoá của người dân đã khiến phần lớn những ngôi nhà cổ ở các vùng quê trên địa bàn Vĩnh Phúc bị phá hủy. Và để bảo tồn, gìn giữ những ngôi cổ còn sót lại, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sớm vào cuộc và có lộ trình để bảo tồn. Bởi đây chính là nơi lưu giữ, bồi đắp nét văn hóa truyền thống song hành với nhịp sống hiện đại. Qua khảo sát và tìm hiểu tại một số vùng quê như: Lập Thạch, Sông Lô, chúng tôi nhận thấy, những ngôi nhà cổ có tuổi đời từ trên 80 năm trở lên ở đây phần lớn có kiến trúc của nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ và một số theo kiến trúc nhà ở của Hội An. Được biết, nhà ở nông thôn truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ có giá trị rất lớn về nghệ thuật kiến trúc. Từ việc lựa chọn hướng nhà, vị trí cổng ngõ ra vào, vị trí hòn non bộ, mặt nước... có yếu tố tâm linh nó còn mang giá trị nghệ thuật tạo hình đặc trưng của vùng nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ. Chính khả năng sáng tạo tài tình trong việc sắp đặt các công trình của kiến trúc nhà của cha ông ta đã giúp cho nhà ở nông thôn có khả năng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Việc bảo tồn và lưu giữ những nếp nhà cổ của người dân tại các vùng quê cũng gần như đồng nghĩa với việc lưu giữ, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của cha ông. Và đây chính là giá trị đáng trân trọng cần được lưu giữ và phát huy của những nếp nhà cổ. Minh chứng cho khả năng sáng tạo của cha ông và giá trị nhân văn của những ngôi nhà cổ, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Thăng ở thôn Thuỵ Điền, xã Tân Lập, huyện Sông Lô hiện đang ở trong ngôi nhà có niên đại gần 100 năm tuổi. Được xây dựng từ đầu những năm 1920 do cụ ông Trần Dụ Viễn, rồi truyền lại cho ông bà Trần Mạnh Quỳ (1935-1995, con trai cụ Viễn), Nguyễn Thị Thăng và các con. Có tuổi đời gần 100 năm nhưng ngôi nhà của gia đình bà Thăng gần như vẫn giữ được nguyên bản của kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bắc Bắc bộ với 3 gian 2 chái có kết cấu kiểu nhà khung gỗ với 6 hàng chân, hai bên là tường gạch đá ong có sức chịu lực và độ bền cao do khí hậu khắc nghiệt. Trên nóc nhà được trạm 2 con nghê, mái nhà hơi cong hình dây diều và được lợp ngói mũi; quá giang, xà gồ, cửa nhà được trạm, đục hình rồng, phượng uốn lượn. Bên trong nhà (gian giữa) được đặt bàn thờ tổ tiên. Đây chính là vị trí trang trọng nhất, chỉ nhìn vào cách bài trí bàn thờ, các câu đối ca ngợi tổ tiên, nhắc nhở con cháu phải đạo cúng tế tổ tiên được treo trang trọng trước bàn thờ cũng khiến cho chúng ta thể thấy được sự uy nghiêm, gia phong nền nếp vốn có của gia đình truyền thống (tam đại, tứ đại đồng đường). Từ ngôi nhà cổ này, từ đời cụ, ông, bà đến các con, cháu của gia đình bà Nguyễn Thị Thăng vẫn luôn giữ được nền nếp gia phong, con cháu thảo hiền và có truyền thống hiếu học. Đến nay, gia đình họ Trần của bà đã 2 người có trình độ Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ và hơn 20 cử nhân. Đối với gi đình bà, việc gìn giữ và bảo tồn ngôi nhà cổ không chỉ là lưu giữ lại những kỷ niệm của cha ông mà chính là gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình. Được ở trong ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm, gia đình ông Trần Văn Bính, 84 tuổi ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch luôn tự hào và quyết tâm gìn giữ ngôi nhà tồn tại hơn thế kỷ do cha ông để lại. Cũng với kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ, nhà ông Trần Văn Bính được thiết kế 5 gian với 6 hàng chân, 30 cột và được làm toàn bộ bằng gỗ mít. Ngôi nhà đã thể hiện được sự sáng tạo trong kiến trúc sinh thái, thân thiện với môi trường của các cụ xưa. Khi được hỏi về việc lưu giữ những giá trị truyền thống của kiến trúc cổ cũng như gia phong, ông Trần Văn Bính cho biết: do nhận thức được giá trị văn hoá của ngôi nhà cổ do các cụ để lại nên từ thời bố ông, cụ Trần Văn Dậu đã 107 tuổi đến nay vẫn giữ được nguyên trạng của ngôi nhà. Đối với truyền thống hiếu học của gia đình, mặc dù là gia đình cố nông, nhưng cụ Dậu rất thức thời đối với việc học hành của các con. Chính vì vậy, nhà có 5 người con (3 trai, 2 gái) nhưng cụ vẫn cố gắng để các con được theo học đầy đủ. Ông Trần Văn Bính là con trai cả được học trường của Pháp và trở thành nhà giáo. Rồi đến ông cũng chăm lo việc học hành của các con chu đáo, đầy đủ. Đến nay, cả 5 người con của ông Bính đã trưởng thành và đều thành đạt. Điều quý hơn cả là các đình nhỏ của các con dù không ở trong nếp nhà cổ của cha ông nhưng gia phong và truyền thống hiếu học của dòng họ vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Cũng được xem là nhà cổ với tuổi đời gần 90 năm, nhưng nhà của gia đình anh Đỗ Mạnh Hà ở xã Tiên Lữ (Lập Thạch) lại được thiết kế và xây dựng theo phong cách nhà cổ Hội An. Nhà được xây 2 tầng, bờ tiền tầng một được đắp, vẽ theo lối truyền thống, có phù điêu trang trí: hoa sen, hoa cúc, lá đề cách điệu; hình ngũ phúc, cuốn thư, bầu rượu, túi thơ, ở giữa có hình một con phượng; tầng 2 cũng được đắp vẽ nhiều hoạ tiết: hai bờ tiền là 2 con nghê hí cầu; quả rành; mái nhà hình vòm, kích thước được tính toán theo âm dương ngũ hành... Hướng của ngôi nhà được đặt theo phong thuỷ: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, phía trước có hạ thuỷ, tiếp đó đến án thư.... Đối với việc bảo tồn vào lưu giữ những ngôi nhà cổ hiện có, tất cả chủ nhân của những ngôi ngà có niên đại gần 100 năm tuổi trở lên ở Vĩnh Phúc đều có một quyết tâm bảo tồn kiến trúc cổ nhà ở hiện tại và mong muốn các di sản văn hoá như nhà cổ sẽ được các cấp, các ngành sớm quan tâm, đầu tư lưu giữ và bảo tồn. Bởi đây chính là những di sản vật thể có giá trị văn hoá to lớn, vừa thể hiện được khả năng sáng tạo và tài tình trang kiến trúc của cha ông, vừa là động lực để các thế hệ trong gia đình phát huy được giá trị của gia phong như: nét đẹp thuần phong mỹ tục trong việc thờ cúng tổ tiên, quan tâm đến sự nghiệp học hành của con cháu trong gia đình. Hoàng Nga |