Người đăng đàn đầu tiên là ông Nguyễn Kim Khải, Giám đốc Sở KH&ĐT. Giải trình về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm khó khăn, nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với KH; giải pháp trong 6 tháng cuối năm, ông Khải cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kinh tế của tỉnh tăng trưởng thấp (4,61%) là do kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu, thị trường bị thu hẹp, trong khi đó nền kinh tế của tỉnh có độ mở cao, đã tác động đến SXKD của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI; thuế xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ 6 tháng đầu năm giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số chính sách vĩ mô được triển khai như tăng lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số đối với xe ô tô đến 9 chỗ ngồi đã tác động mạnh đến tiêu thụ sản phẩm của các công ty chủ lực đóng góp cho ngân sách tỉnh (Toyota). Việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát nhưng cũng làm cho doanh nghiệp hết sức khó khăn, sức mua xã hội giảm. Lãi suất cho vay của các ngân hàng mặc dù đã được điều chỉnh giảm nhưng các doanh nghiệp và nhân dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Các quy định hiện hành của Nhà nước không cho phép điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư do yếu tố trượt giá gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thi công các công trình đúng tiến độ. Thị trường bất động sản trầm lắng, việc huy động vốn đầu tư từ đất đai khó khăn… Dự báo trong 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã đề ra hai phương án đề nghị HĐND tỉnh điều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời tập trung các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD phát triển; đẩy mạnh công tác bồi thường - GPMB; tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các BQL dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình XDCB thuộc KH năm 2012, nhất là các công trình trọng điểm; quyết liệt các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư. Giải trình về tình trạng cấp huyện, cấp xã quyết định, phê duyệt dự án ngày càng nhiều dẫn đến nợ đọng XDCB lớn, ông Khải cho biết, trên cơ sở Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 43/2009/QĐ-UB ngày 8/9/2009 và Quyết định số 57/2009/QĐ-UB ngày 6/11/2009 về thực hiện phân cấp đầu tư đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã. Sau 3 năm triển khai các quyết định này đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, các địa phương chủ động hơn trong đầu tư xây dựng, các dự án triển khai nhanh hơn… Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ hạn chế,các huyện, xã quyết định đầu tư quá nhiều dự án dẫn đến đầu tư dàn trải ở địa phương, nợ đọng XDCB tăng cao, vượt quá khả năng cân đối các địa phương, nhiều công trình dở dang, không được đưa vào khai thác, sử dụng. Trách nhiệm trước hết thuộc về người quyết định đầu tư, Sở KH&ĐT, các sở chuyên ngành, HĐND trong việc kiểm tra, giám sát lĩnh vực này. Để khắc phục trong thời gian tới cần thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư; bổ sung nguồn lực cho đầu tư; lập kế hoạch đầu tư trung hạn, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực này. Sở cũng có nhiều giải pháp để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này. Trả lời câu hỏi của ông Phùng Gia Thuận, Giám đốc Sở GT-VT về đường Hợp Châu - Đông Tĩnh đã hoàn thành giai đoạn I, tỉnh có tiếp tục coi đây là công trình trọng điểm nữa không và bố trí vốn đầu tư như thế nào? Ông Khải cho biết, đường này có tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng, hiện đã xong giai đoạn I, giai đoạn II đã xong phần nền, năm 2012 đã bố trí tiếp 20 tỷ, sở sẽ nghiên cứu bố trí nốt để hoàn thành tuyến đường. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thế Kiểm, đơn vị Yên Lạc về vấn đề đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hoá và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Khải cho biết nông nghiệp luôn là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên, tuy nhiên việc hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hoá phải thông qua đề án, nếu HĐND tỉnh thông qua, sở sẽ bố trí đủ vốn. Còn kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì đây là lĩnh vực ẩn chứa nhiều rủi ro, hiệu quả thấp. Các nhà đầu tư thường tính đến hiệu quả và độ an toàn nên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Sắp tới, tỉnh sẽ thành lập cơ quan chuyên về xúc tiến đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một lĩnh vực được quan tâm. Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Kiểm về giải pháp để khắc phục tiến độ đầu tư XDCB chậm, ông Khải cho biết, thông thường 6 tháng đầu năm do nghỉ tết Nguyên đán và hoàn thiện các thủ tục nên tiến độ thường chậm, tuy nhiên tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn trong quý 3, quý 4. UBND tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp nếu đến tháng 9, chủ đầu tư nào không thực hiện giải ngân sẽ điều chuyển vốn cho các công trình khác… Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Sở Y tế giải trình về tinh thần thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh của một bộ phận cán bộ ngành y tế còn thấp như việc để xảy ra hai ca tử vong của hai bệnh nhân ở Tam Dương gây bức xúc cho cử tri và nhân dân. Theo ông Sơn, sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, xử lý cụ thể. Trong thời gian qua, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao y đức của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định đạo đức của ngành. Nếu cử tri phát hiện tiêu cực, có thể điện thoại trực tiếp cho Giám đốc Sở Y tế để ông xử lý. Ông cũng cho biết, hiện nay, mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút nhưng đội ngũ bác sĩ vẫn còn thiếu, nhất là bệnh viện tuyến huyện. Sở đã tham mưu cho tỉnh thực hiện chính sách về đào tạo để sớm bổ sung đội ngũ này. Về vấn đề một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT tại 55 tỉnh, thành phố cho thấy Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh điển hình về việc bệnh viện kê khống để được BHYT thanh toán, ông Sơn cho biết không có tình trạng này. Trong thời gian qua, không có Đoàn Thanh tra Chính phủ đến làm việc về vấn đề này, chỉ có Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra, nhưng kết quả thanh tra không như báo chí nêu. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Bình, đơn vị Lập Thạch về cán bộ dân số ở các xã lại biên chế ở các trạm y tế, trong khi đó, ở huyện lại có Trung tâm DS-KHHGĐ, vậy chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ như thế nào? Ông Sơn cho biết, việc chỉ đạo chuyên môn vẫn do ngành dọc (Trung tâm DS-KHHGĐ), đồng thời vẫn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác này. Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Yên, đơn vị Bình Xuyên về giải pháp để giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh hiện nay đang báo động, ông Sơn cho biết đây là hiện tượng đáng quan tâm. Ở tỉnh ta, năm cao đã đạt 118bé trai/100 bé gái. Ngành cũng đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề xã hội, cần có sự phối hợp nhiều cấp, nhiều ngành mới có chuyển biến. Ông Trần Đức Cầu, Chánh Thanh tra tỉnh giải trình về tình hình KNTC vẫn còn diễn biến phúc tạp ở một số nơi, việc giải quyết đơn thư KNTC hiện nay vẫn còn để tồn đọng nhiều, ở nhiều nơi có một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp dưới như để kéo dài hoặc đùn đẩy lên cấp trên. Theo ông Cầu, nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật còn bất cập, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều vụ việc khiếu kiện có nội dung phức tạp. Sự việc xảy ra từ lâu, hồ sơ không lư trữ đầy đủ hoặc thất lạc, gây khó khăn trong quá trình thẩm tra, xác minh, giải quyết, dẫn đến chậm thời gian… Biện pháp khắc phục trong thời gian tới là cần thực hiện tốt công tác tiếp dân, gắn công tác này với giải quyết KNTC; tập trung giải quyết cơ bản các khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là chấn chỉnh những tồn tại yếu kém; tăng cường công tác quản lý trên mọi lĩnh vực, nhất là về đất đai… Sau khi giải trình về tình hình các dự án nợ tiền thuê đất; tiến độ xây dựng các công trình làm nắp đạy rãnh thoát nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; hiện tượng lộn xộn trong khai thác tài nguyên (đất, đá, cát, sỏi) trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở TN&MT nhận được rất nhiều câu hỏi của đại biểu. Đại biểu Nguyễn Xuân Đài, đơn vị Sông lô đặt câu hỏi: Sông Lô là địa bàn “nóng” về khai thác cát, sỏi, ảnh hưởng đến môi trường, kể cả ANTT, trách nhiệm quản lý của huyện, xã rất lớn, tuy nhiên địa phương lại được phân chia rất ít lợi ích từ việc thu thuế đối với lĩnh vực này. Sở tham mưu như thế nào để điều tiết hợp lý cho địa phương? Ông Lộc cho biết, việc khai thác cát sỏi ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng và có nơi còn ảnh hưởng đến ANTT. Hiện các doanh nghiệp khai thác phải đóng phí BVMT và thuế tài nguyên. UBND tỉnh cũng đã có quy định về thu phí và thuế trong lĩnh vực này nhưng chưa phân chia cụ thể cho từng cấp. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có quy đinh phân chia cụ thể. Ông Đỗ Văn Hoành, Phó Giám đốc Công an tỉnh nêu vấn đề, việc khai thác cát, sỏi trên sông Lô hết sức phức tạp, đồng thời dẫn chứng một số vụ việc cụ thể, có cả bàn tay xã hội đen. Vậy vai trò quản lý của sở như thế nào? Xử lý các đơn vị vi phạm ra sao, nhất là việc rút giấy phép khai thác để từng bước ổn định tình hình. Ông Lộc cho biết, tình hình lộn xộn trong khai thác là có, sở đã cố gắng, có nhiều giải pháp quản lý nhưng lực lượng mỏng nên cũng khó khăn. Còn đối với việc thu hồi giấy phép khai thác của công ty TNHH Việt Thắng là chưa đủ cơ sở. Ông Hoành viện dẫn, giám đốc công ty này đã bị cơ quan điều tra xử lý về hành vi trốn thuế, sao lại không vi phạm và chưa đủ điều kiện? Ông Lộc cho biết sở đã bàn bạc kỹ, có tham vấn Sở Tư pháp và đã quyết định đình chỉ khai thác đối với công ty này trong thời gian một tháng. Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, nếu đủ điều kiện sẽ thu hồi giấy phép. Đại biểu Nguyễn Thế Kiểm, đơn vị Yên Lạc hỏi, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, sở có giải pháp gì? Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, các đơn vị thi công đã làm xong phần kỹ thuật, phần xét duyệt là do chính quyền địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng phải tăng cường trách nhiệm, phối hợp với đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ. Đại biểu Bùi Tất Thắng, đơn vị Vĩnh Yên nêu vấn đề, vừa qua, qua kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp lấn chiếm đất đầm Vạc, tuy nhiên sở lại để các doanh nghiệp này sử dụng để trồng cây mà không thu hồi, như vậy sẽ là tiền lệ xấu, nhiều người có thể lấn chiếm được. Ông Lộc cho biết, qua kiểm tra đã phát hiệnvi phạm, nhưng các doanh nghiệp này đã xây kè nên đã xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp chỉ được trồng cây bảo vệ môi trường, không được xây dựng. Dĩ nhiên, về nguyên tắc thì phải dỡ bỏ. Hiện tình trạng lấn chiếm đất đai ở nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp, theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 3.000 trường hợp. Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy định về xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai. N.P |