Sau quá trình triển khai thực hiện 5 nghị quyết chuyên đề trên, đã có 4 chuyên đề được triển khai thực hiện và có kết quả. Còn đối với Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 hiện nay huyện Lập Thạch đang bắt đầu triển khai. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2007/NQ-HĐND tỉnh huyện Lập Thạch đã có 68/68 trường được hưởng lợi đầu tư từ việc thực hiện Nghị quyết với tổng kinh phí đầu tư 71,9 triệu đồng, trong đó ở bậc giáo dục mầm non có 88 phòng học và 22 nhà ăn bán trú được xây mới, bậc giáo dục tiểu học có 82 phòng học và 9 nhà điều hành được xây mới, bậc giáo dục THCS 74 phòng học và 9 nhà điều hành được xây mới. Sau 8 tháng triển khai và thực hiện Nghị quyết số 38/2011/NQ-HĐND, đến nay toàn huyện Lập Thạch đã có 25 trường được cấp kinh phí GPMB mở rộng diện tích đất trường với việc 25 trường (từ bậc mầm non tới THCS) được mở rộng 103.589 m2 diện tích đất trường và xây mới 48 phòng học (cả 3 cấp) với tổng số kinh phí đầu tư ban đầu là 5,7 tỷ đồng. Với nghị quyết số 16/2007/NQ-HĐND tỉnh về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2007-2010, huyện Lập Thạch đã không ngừng chỉ đạo trong việc phát triển kinh tế nông lâm nghiệp – dịch vụ, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt kết quả cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là 19% đến năm 2010 còn 10,27%; các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo đều được thực hiện tốt; 100% người nghèo được cấp BHYT miễn phí, người nghèo được ưu tiên trong việc tuyển sinh học nghề, có khoảng gần 9000 lao động được tạo việc làm mới trong các lĩnh vực như Công nghiệp - xây dựng, Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức huấn luyện nghề ngắn hạn…; công tác xây dựng nhà Đại đoàn kết đặc biệt được chú trọng, từ 2007-2010 toàn huyện xây dựng được 1297 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo… Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, tổ dân phố đến năm 2015; Lập Thạch là huyện đi đầu trong công tác xây dựng nhà văn hóa thôn, xã. Tính đến nay, toàn huyện đã có đủ 214/214 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, 19/20 xã, thị trấn có nhà văn hóa. Nhà văn hóa Liễn Sơn đã có mặt bằng quy hoạch cùng khu trung tâm xã và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân trong việc thực hiện như: công tác dạy nghề còn nhiều tồn tại, đặc biệt là vấn đề quản lý dạy nghề, mở lớp dạy nghề tràn lan, không bám vào nhu cầu GQVL của địa phương, công tác thanh quyết toán phí dạy nghề chậm, công tác tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả nhà văn hóa chưa cao… Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Bá Huy đánh giá cao kết quả thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của huyện Lập Thạch, thực hiện triển khai bài bản, đồng bộ, nghị quyết đã dần đi vào cuộc sống. Đồng chí yêu cầu huyện Lập Thạch tiến hành rà soát những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện nghị quyết chặt chẽ hơn nữa, giải quyết nhanh công tác thanh quyết toán phí trong dạy nghề, quản lý dạy nghề cần rà soát lại cơ chế chỉ đạo giữa huyện - xã và ngành nghề. Đề nghị triển khai các nghị quyết quyết liệt hơn, đặc biệt là nghị quyết số 37 đang tiến hành, có phân kỳ, hướng dẫn, có kế hoạch cụ thể về các nghị quyết. Tăng cường sự phối hợp, tham mưu với cấp trên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng cường các nguồn lực thực hiện. Diệu Linh |