Theo báo cáo của Sở Y tế, trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có những thành tựu đáng kể; hệ thống y tế cơ sở ngày càng được quan tâm, củng cố và phát triển; các chỉ số sức khỏe của nhân dân trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, nhiều chỉ số sức khỏe của Vĩnh Phúc đã đạt được ở mức cao hơn so với các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và trung bình cả nước, có những chỉ số đã đạt hoặc vượt mục tiêu Quốc gia đến năm công tác 2010, thậm chí đến năm 2020... Đến nay, về cơ bản hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và hoạt động có nề nếp. Tuyến tỉnh có 6 bệnh viện chuyên khoa và đa khoa; 9 Bệnh viện đa khoa cấp huyện và 8 phòng khám đa khoa trực thuộc bệnh viện huyện; 9 Trung tâm y tế; 9 Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm; 9 Trung tâm Dân số; tuyến xã có 139/137 trạm y tế. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển: 132/137 (96,35%) xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn Quốc gia về y tế xã; tỷ lệ bác sỹ đang công tác tại Trạm y tế đạt 76%. Tổng số giường bệnh trong toàn tỉnh hiện có là 2.520, tăng 1.025 giường bệnh so với năm 2006; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 24,3 (toàn quốc là 21 trong năm 2011), tăng 9,7 giường bệnh/vạn dân so với năm 2006. Tổng số cán bộ y tế tính đến cuối tháng 6 - 2012 là 3.979 người (tăng 1.416 người so với năm 2006); tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 6,6 tăng 1,3 so với năm 2006... Các bệnh dịch nguy hiểm được giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời; không có dịch lớn xảy ra, không có người tử vong do dịch bệnh. Công tác khám chữa bệnh đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh được chú trọng. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao. Tuy nhiên, công tác y tế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: một số chỉ số về sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức thấp so với bình quân chung của khu vực và cả nước; nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra như: số bác sỹ, dược sỹ/vạn dân; tỷ lệ bác sỹ công tác tại trạm y tế; Chuẩn Quốc gia về y tế xã... Trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay của ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, dự thảo Đề án xác định mục tiêu chung đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 là phát triển ngành y tế Vĩnh Phúc từng bước hiện đại, hoàn chỉnh đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; phát triển nhân lực ngành y tế đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đảm bảo mỗi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; giảm tỉ lệ bệnh tật và di chứng, nâng cao chỉ số về sức khỏe, thể lực, tăng tuổi thọ, ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Một số chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được là: Phấn đấu đến năm 2015 đạt các tiêu chí: 30 giường bệnh/vạn dân, 8 bác sỹ/vạn dân. Nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng và cung cấp trang thiết bị y tế cho các đơn vị trong ngành, các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các Trung tâm Y tế cấp cơ sở; triển khai các hoạt động và cung cấp các dịch vụ y tế phổ cập và chuyên sâu theo quy định phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các bệnh viện đa khoa từ tỉnh đến huyện. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án. Các ý kiến tập trung đề nghị Sở Y tế cần bám sát vào tình hình phát triển thực tế của tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu và rút gọn, chỉnh sửa lại các nội dung chính của Đề án; tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính như: cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ y, bác sỹ có y đức tốt, đủ trình độ đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Thị Tuyến yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác soạn thảo Đề án, bám sát vào nội dung của Quy hoạch phát triển ngành Y tế đến năm 2020 và quy hoạch phát triển của các ngành khác; đánh giá và so sánh những hạn chế, tồn tại trong vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng ngành Y tế; từ đó, nêu ra những biện pháp, nhiệm vụ cụ thể hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần tập trung nâng cao chất lượng xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về công tác y tế. Việt Sơn |