Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh. Hội nghị đã được nghe đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Ngành kiểm sát nhân dân và 12 ý kiến tham luận về nhiệm vụ cải cách tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết 49, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; vấn đề nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; việc thành lập viện kiểm sát khu vực theo yêu cầu cải cách tư pháp… Ngành Kiểm sát đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ. Kết quả triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, công chức trong ngành Kiểm sát. Viện kiểm sát các cấp đã nỗ lực, phấn đấu, tập trung thực hiện việc đổi mới sâu, rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp cũng nảy sinh một số vấn đề khó khăn, hạn chế như: Một số chủ trương về cải cách tư pháp đã được xác định trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhưng chậm được thể chế hóa thành luật tạo sơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức thực hiện trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ trương đổi mới tổ chức, bộ máy theo hướng thành lập VKSND khu vực sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ. Trong việc thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” đến nay vẫn chưa có những qui định của pháp luật đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quyền năng pháp lý của VKS trong thực hành quyền công tố. Kiểm sát điều tra, trên thực tế có không ít trường hợp, các yêu cầu của Viện kiểm sát trong quá trình điều tra vụ án hình sự chưa được thực hiện nghiêm túc, có tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, nhưng pháp luật lại chưa quy định những biện pháp để bảo đảm thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát. Mặc dù đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, song thực tế chất lượng tranh tụng tại phiên tòa còn chưa cao, chưa ngang tầm với yêu cầu cải cách tư pháp, Kiểm sát viên còn lúng túng khi xét hỏi bị cáo, chưa tích cực tranh luận, bác bỏ những luận điểm không đúng của người bào chữa và những người tham gia tố tụng, số vụ án có luật sư tham gia còn chiếm tỷ lệ thấp. Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu cải cách tư pháp; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác của một số đơn vị còn thiếu và lạc hậu. Các chính sách, chế độ đãi ngộ, ưu tiên đối với cán bộ, Kiểm sát viên còn có mặt hạn chế. Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 37 của Quốc hội và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và nhà nước; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nguyễn Thị Việt Hà (VKSND tỉnh) |