Để chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại đảm bảo an toàn cho sản xuất, Chi cục BVTV tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Trạm BVTV tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh hại; xác định thời gian phát sinh, địa điểm, quy mô và mức độ gây hại; thông báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp để tổ chức phòng trừ kịp thời. Trạm BVTV các huyện, thành, thị chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn bà con nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu, bệnh gây hại, đặc biệt là rầy nâu; xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh và diện tích cần phòng trừ trong cao điểm; hướng dẫn sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ có hiệu quả, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tăng cường phòng trừ bằng các biện pháp thủ công như: ngắt ổ trứng và cắt dảnh héo sâu đục thân; bắt các loại sâu non trên đồng ruộng; vơ lá bệnh khô vằn; bẫy, bắt chuột...Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV tỉnh, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi sâu, bệnh hại đến và vượt ngưỡng phòng trừ. Cụ thể rầy nâu, rầy lưng trắng lớn hơn hoặc bằng 1500 con/m2; sâu đục thân lúa lớn hơn hoặc bằng 0,5 ổ trứng/m2; sâu cuốn lá nhỏ lớn hơn hoặc bằng 20 con/m2; bệnh khô vằn lớn hơn hoặc bằng 20 % dảnh hại; đối với bệnh đạo ôn cổ bông: khi ruộng có 20 % lá hại hoặc 5% bông bị bệnh). Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu và tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc. Có thể sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ bệnh đen lép hạt; chất kích thích sinh trưởng cho lúa trước và sau trỗ 7 - 10 ngày giúp lúa trỗ đều và chắt hạt.Tăng cường công tác tuyên truyền về cao điểm sâu, bệnh hại trong tháng 5 trên các phương tiện thông tin thông tin đại chúng.Tăng cường kiểm tra việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn. Không để tình trạng thuốc cấm, thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và tình trạng tăng giá thuốc xảy ra trong tỉnh. Mai Liên |