Với những lợi thế về tự nhiên và con người, nhận thức được ngành thủy sản không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói giảm nghèo, đô thị hóa nông thôn… đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững; tỉnh ta luôn chú trọng thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, phát huy nguồn nội lực của tỉnh. Đồng thời tăng cường trao đổi, hợp tác, du nhập công nghệ mới phù hợp với thế mạnh về điều kiện tự nhiên của tỉnh. Quý I và II năm 2012, sản xuất thủy sản của Vĩnh Phúc tuy còn gặp khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại, song vẫn có những thuận lợi đáng kể, giá thủy sản luôn ổn định ở mức cao, nên sản xuất thủy sản của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Nuôi trồng từng bước đa dạng, sản lượng thủy sản nuôi trồng được nâng cao, chất lượng thủy sản ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thị trường và tạo ra thu nhập khá cho người nuôi trồng thủy sản. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 5.284,5 ha, đạt 75,22% kế hoạch năm, tăng 2,92% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là diện tích nuôi cá 5.165,3 ha. Bên cạnh việc nuôi cá, một số hộ còn tích cực đầu tư nuôi các loại thủy sản khác như cá sấu, ếch, ba ba, nhưng có diện tích ít (3,2 ha). Việc đầu tư cho nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 5 hộ nuôi cá sấu với tổng số 133 con, con số này quả là khiêm tốn. Thực tế cho thấy, nuôi cá sấu tuy có giá trị cao song đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn và đầu tư khá lớn vì vậy cho đến nay số hộ tham gia nuôi vẫn còn hạn chế. Một điều đáng ghi nhận là công tác sản xuất giống thủy sản luôn ổn định, bảo đảm chất lượng và có sự tăng trưởng hàng năm, đáp ứng nhu cầu về giống cho người nông dân trong tỉnh và xuất bán ra các tỉnh ngoài. Ngoài các loại cá giống truyền thống, các hộ nông dân, các cơ sở ươm giống còn tự sản xuất các giống mới phục vụ nhu cầu của thị trường như: cá chim trắng nước ngọt, rô phi đơn tính, ba ba gai, trôi trường giang…Hiện toàn tỉnh có tổng số diện tích ươm giống là 116 ha. Sản lượng giống thủy sản tính đến tháng 6 - 2012 ước đạt 1.904,6 triệu con tương đương với cùng kỳ, trong đó: cá bột 958 triệu con, cá hương 532 triệu con, cá giống 414,6 triệu con. Mặc dù đầu năm sản xuất giống thủy sản của tỉnh gặp khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại, làm cho sản xuất giống bị chậm, tuy nhiên các cơ sở sản xuất giống đã khắc phục khó khăn, tích cực tham gia sản xuất do vậy công tác sản xuất giống thủy sản vẫn giữ được ổn định và đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi thả trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hiện nay, giá cả các loại thủy sản trên thị trường ở mức cao, rất có lợi cho người nuôi trồng. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh đã có chủ trương vận động các hộ sản xuất tích cực nuôi thả và tập trung thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng. Do vậy, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 8.406,2 tấn, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 905,9 tấn, trong đó: cá 174,4 tấn, tôm 47,2 tấn, thủy sản khác 660,0 tấn. Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm ngoái là do mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản tự nhiên phát triển. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 7.500,3 tấn, đạt 43,61% kế hoạch và tăng 8,21% so với cùng kỳ, trong đó: cá thịt 7.494,8 tấn, thủy sản khác 5,5 tấn. Do đặc thù ngành thủy sản tỉnh ta chủ yếu là nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, mặt khác toàn bộ diện tích là nuôi hỗn hợp do vậy năng suất, sản lượng còn thấp. Hiện nay một số trang trại nuôi trồng thủy sản đã tích cực đầu tư và nuôi theo hình thức bán thâm canh vì vậy sản lượng nuôi trồng thủy sản đã từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn đầu tư và tìm ra một mô hình phát triển bền vững cho ngành thủy sản của tỉnh ta, tạo sự an tâm để các cơ sở nuôi trồng, sản xuất thủy sản đầu tư phát triển quy mô và tiềm năng của mình. Do vậy, để nâng cao năng suất và sản lượng, trong thời gian tới, ngành thủy sản Vĩnh Phúc cần có chính sách chiến lược hỗ trợ vốn sản xuất, mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, tạo nên vùng sản xuất hàng hoá tập trung; khai thác triệt để diện tích sẵn có, chủ động nguồn nước trong nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng đưa các giống thủy sản mới có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh vào nuôi theo hướng chuyên canh hàng hóa; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo hình thức cộng đồng như: Hợp tác xã, Chi hội nghề cá, nhóm hộ cùng sở thích để xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nâng cao chất lượng công tác phòng bệnh, đảm bảo nguồn thức ăn, thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản...Từ đó góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, để ngành thủy sản tỉnh ta vững bước trong xu thế phát triển KT - XH chung hiện nay. Việt Sơn |