Vang mãi bài ca cách mạng Ngược dòng lịch sử, Bình Dương là vùng đất của bốn xã Lương Điền, Đông Viên, Phong Doanh và Lạc Trung. Tháng 4 năm 1946, bốn xã trên hợp nhất lấy tên Bình Dương hiện nay. Sau cách mạng tháng Tám, Bình Dương rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hơn 50 người dân trong làng bị địch bắn giết, hàng chục người khác bị thương, hầu hết các thôn xóm bị san bằng, trên 95% nhà cửa bị đốt phá, người dân đa phần mù chữ, nạn đói khắp nơi, làng ấp sơ xác, tiêu điều. Trong làng, ngoài đồng đều bị bom đạn của địch cày xới thành ao chuôm; đình chùa, trường học và nhiều công trình bị phá thành bình địa. Cả xã chỉ còn xóm Hoa Đà với trên 40 hộ là nhà cửa, đường ngõ còn nguyên vẹn. Trước hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, Bình Dương phải vươn lên để chống “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Mặc dù nhiều lần bị kẻ thù đàn áp dã man song người dân Bình Dương vẫn một lòng sắt son với Đảng, Bác Hồ cùng nhân dân trong huyện lập nên nhiều chiến công. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng vạn thanh niên trong xã đã lên đường nhập ngũ. Bình Dương đã tiễn đưa 350 con em lên đường đi bộ đội và kết thúc chiến tranh, cả xã có 17 bà mẹ VNAH, 196 liệt sỹ và nhiều thương binh, bệnh binh khác. Mùa xuân năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác Hồ, nhân dân Bình Dương đã ra sức trồng cây xanh trên mảnh đất quê hương, và hành trình đưa “rừng về đồng bằng” đã giúp Bình Dương dẫn đầu cả nước trong phong trào trồng cây năm đó. Ngày 25-1-1961, Bác Hồ đã về thăm quê hương Bình Dương và đó là một niềm vinh dự tự hào lớn của người dân nơi đây. Ngày lịch sử ấy, Bác tự tay trồng một cây đa tặng những người con Bình Dương và hôm nay nó đã trở thành một cây cổ thụ xum xuê, tỏa bóng mát xanh rờn. Người dân Bình Dương vẫn luôn ao ước có thể xây dựng được một khu lưu niệm Bác Hồ tại trên mảnh đất này để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tương lai. Đất đang chuyển mình Trải qua quá trình đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, nhân dân Bình Dương đã biến nhiều vùng đất sình lầy, gai góc thành những cánh đồng xanh màu mỡ, xóm làng trù phú. Đi lên cùng sự đổi mới của đất nước, Bình Dương dựa vào các lợi thế tự nhiên ưu đãi và sức lao động bền bỉ để tạo nên bước chuyển mình trên mọi lĩnh vực. Bài toán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua được Đảng bộ, chính quyền xã “giải mã” bằng nhiều chủ trương đúng đắn, sáng tạo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế như tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; kết hợp phát triển trang trại vườn cây ăn quả với chăn nuôi gia súc... Các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao đã được gieo trồng thay thế hầu hết những giống lúa địa phương, với năng suất trung bình đạt 63,9 tạ/ha. Nhờ có sự chuyển dịch đúng hướng nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm sau luôn cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 19,6 triệu đồng/người/năm, phấn đấu năm 2012, đạt 22 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ đói, hộ nghèo còn 6,62%. Bên cạnh đó, Bình Dương tạo điều kiện cho các ngành, nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Bình Dương có 577 hộ sản xuất TTCN và XD; 235 cơ sở kinh doanh TM-DV. Các cơ sở phát triển nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú, cả xã có 40 máy trộn bê tông, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động tại chỗ; có 10 ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 là 32,9 tỷ đồng. Hơn 60 năm qua, cuộc sống của người dân trên quê hương cách mạng đang đổi thay từng ngày. Nhiều mô hình kinh tế mới đã và đang mang lại hiệu quả, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã thực sự đi vào đời sống. Một Bình Dương đang trỗi dậy, khoác lên mình một chiếc áo mới và trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của huyện. Bức tranh nông thôn Bình Dương ngày càng khởi sắc trên tất cả các mặt từ đời sống văn hóa, kinh tế đến kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, các chương trình an sinh xã hội được quan tâm và giải quyết tốt. Sau một năm triển khai thực hiện lộ trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Bình Dương đã hoàn thành 10/19 tiêu chí NTM. Bình Dương đã đầu tư hàng tỷ đồng cho các công trình điện - đường - trường - trạm và hệ thống các đập, kênh mương thủy lợi. 100% hộ gia đình được sử dụng mạng điện lưới quốc gia; đường giao thông thôn xóm hầu hết đã được bê tông hóa. Sự nghiệp giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học ngày càng hiện đại. Đến nay các trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS đều được công nhận chuẩn Quốc gia. Hàng năm, học sinh trên địa bàn đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Mỗi năm, xã có trên 60 em đỗ các trường đại học, cao đẳng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương phấn đấu không ngừng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa tinh thần và ổn định đời sống cho người dân. Hình ảnh xóm làng sơ xác, nhà tranh lụp xụp, ao tù nước bẩn mất đi, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng san sát vươn trong ánh nắng và màu xanh mát rượi của hương đồng gió nội. Trên quê hương cách mạng thuở nào đang vọng vang những âm thanh mới…/ Bài, ảnh Thúy Nga |