Qua đó có thể thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm gỗ vẫn có xu hướng phát triển tốt. Nghề mộc đã thu hút hàng chục ngàn lao động. Trước đây, người làm nghề mộc cũng như sản xuất chế biến gỗ nói chung thu nhập không cao, sản phẩm hầu hết làm ra chỉ được khách hàng tại địa phương tiêu dùng, lượng hàng xuất bán đi các tỉnh rất ít. Hiện nay, công nghệ thiết bị sản xuất nghề mộc đã được cải tiến: từ chiếc bào, cưa, đục, thước, búa, kìm, phay, khối lăng trụ, mũi khoan, các loại lưỡi cắt, tạo lỗ định hình định vị, dao tiện gỗ, bánh mài, đến thiết bị làm sạch, đánh bóng, phun sơn, chà bụi đã đem lại sự tiện ích, linh hoạt và hiệu quả. Sản phẩm mộc vì vậy đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhiều sản phẩm đã được người thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động. Để sản phẩm mộc của Vĩnh Phúc hướng tới thị trường xuất khẩu, từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương, hàng năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đều hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất đồ mộc gia dụng cho 10-15 cơ sở sản xuất đồ mộc tại các làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2012, Trung tâm đã hỗ trợ 6 đề án cho 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ mộc trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền hỗ trợ là 235 triệu đồng. Trước khi thực hiện đề án, các doanh nghiệp được Trung tâm tư vấn, tìm hiểu về mỗi thiết bị và qua đây đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, công nghệ mới... phục vụ sản xuất chế biến. Đây là việc làm thiết thực, giúp các làng nghề mộc truyền thống, cơ sở sản xuất chế biến gỗ thay đổi cách thức sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất. Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Phẩm tại thôn Bình Hoà, thị trấn Hợp Hoà (Tam Dương) chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, chủ yếu là sản xuất đồ mộc gia dụng như bàn, ghế, sập, gụ, giường, tủ. Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nội thất đồ gỗ, các doanh nghiệp sản xuất gỗ nói chung, Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Phẩm luôn tìm cách để thay đổi theo hướng sản xuất hiện đại, bắt kịp nhu cầu ngày càng cao về số lượng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đồ gỗ. Được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp hỗ trợ 35 triệu đồng cùng với số vốn 246.500.000 đồng, cơ sở sản xuất gỗ Nguyễn Văn Phẩm đã đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng và máy móc thiết bị. Việc đầu tư này giúp công suất sản phẩm tăng từ 90m3 lên 120m3 sản phẩm/tháng, và 300 m2 khuôn cửa lên 350 m2 khuôn cửa các loại, doanh thu tăng từ 1 tỷ (năm 2011) lên 1,4 tỷ đồng (dự kiến năm 2012); nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho 8 lao động địa phương với mức lương tăng từ 4 triệu lên 4,5 triệu/người/tháng. Cuối tháng 6-2012, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng Công Thương huyện Bình Xuyên nghiệm thu đề án hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất nghề mộc gia dụng tại cơ sở sản xuất Nguyễn Huy Đức có trụ sở tại tổ dân phố Công Binh, thị trấn Thanh Lãng. Với số vốn 656.800.000 đồng mà cơ sở Nguyễn Huy Đức đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc đã khiến công suất, sản lượng sản phẩm tăng 310 sản phẩm/năm. Doanh thu tăng từ 4,6 tỷ đồng (2011) lên 5 tỷ đồng (dự kiến năm 2012). Từ các đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất đầu tư cải tiến quy trình công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất đồ mộc đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật thời gian của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mộc của Vĩnh Phúc; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện phát triển nghề tại địa phương và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Mặc dù với số tiền hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyên công còn ít cho mỗi cơ sở sản xuất mộc (khoảng 35 triệu đồng/cơ sở) nhưng đã góp phần hỗ trợ, tạo động lực cho các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng, tăng doanh thu, tạo điều kiện phát triển nghề tại địa phương và tạo việc làm nâng cao thu nhập cho lao động, hạn chế lao động ở địa phương ra nơi khác làm việc, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo cơ cấu CNH-HĐH công nghiệp nông thôn và thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, phát triển nghề mộc. Thủy Chung |