Các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh, từng bước ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, cây cảnh… tăng dần. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Năng suất các loại cây trồng không ngừng tăng do áp dụng tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt bình quân 97,31 nghìn ha, trong đó, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt bình quân đạt 73,93 nghìn ha/năm. Giá trị sản xuất trồng trọt (theo giá cố định năm 1994) năm 2011 đạt 1.144,1 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2012, giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 925,9 tỷ đồng, tăng 1,3%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản đạt 1.445,8 tỷ đồng, tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: nông nghiệp tăng 1,65% (trồng trọt giảm 7,4%, chăn nuôi tăng 13,8%, dịch vụ tăng 2,1%), lâm nghiệp tăng 18,1% và thủy sản tăng 4,6%. Tốc độ tăng trưởng bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng dần qua các năm, cụ thể: năm 2005: 30 triệu đồng/ha, năm 2010: 80 triệu đồng/ha, đến năm 2011 đạt trên 100 triệu đồng/ha. Mặc dù diện tích đất canh tác đang có xu hướng giảm dần song diện tích gieo cấy lúa vẫn luôn giữ ổn định ở mức 58-59 nghìn ha, nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh, năng xuất các loại cây trồng không ngừng tăng; năng suất lúa cả năm tăng từ 47,16 ta/ha (năm 2006) lên 53,03 ta/ha (năm 2010) và đạt 56,26 ta/ha (năm 2011), cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt các giống lúa chất lượng cao được quan tâm mở rộng diện tích, năm 2007 mới có 1,1 nghìn ha, năm 2011 đạt trên 7 nghìn ha; đến nay đã hình thành một số vùng chuyên canh sản suất lúa chất lượng cao tương đối ổn định tại các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương… vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa tăng thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất bình quân 01 ha lúa chất lượng cao (HT1, BC15, Bắc thơm số 7, QR1, VS1,…) tăng so với cấy giống KD18 từ 3 đến 4 triệu đồng/ha. 5 năm vừa qua, các địa phương đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích 16,428,44 ha cây hàng hóa các loại, gồm: lúa chất lượng cao, bí đỏ, bí xanh, cà chua, dưa chuột, dưa hấu, ớt, su su... bước đầu tạo được thói quen SXHH gắn với thị trường, sản phẩm đặc trưng của địa phương như: bí đỏ, lúa chất lượng cao (Vĩnh Tường); gạo Long trì, dưa chuột An Hòa (Tam Dương); Đặc biệt là su su Tam Đảo và thanh long ruột đỏ Lập Thạch; chuối tiêu hồng, thanh hao hoa vàng, cây dược liệu ở các xã vùng bãi Yên Lạc, Vĩnh Tường... Hiệu quả mang lại từ sản xuất các loại cây trồng hàng hóa tăng gấp 2 - 3 lần so với các loại giống, cây trồng truyền thống trước đây. Tiêu biểu như trồng bí đỏ đạt 64,2 triệu đồng/ha/vụ, ớt đạt 110 triệu đồng/ha/vụ, dưa chuột, bí xanh đạt 115 triệu đồng/ha/vụ, dưa hấu đạt 127,5 triệu đồng/ha/vụ; cá biệt cà chua đạt 183 triệu đồng/ha/vụ, su su đạt 200 triệu đồng/ha/vụ. Các hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu phục vụ sản xuất. Hoạt động khuyến nông luôn được quan tâm, hiệu quả ngày một rõ rệt, khẳng định được vai trò là cầu nối cho việc ứng dụng, chuyển giao TBKT cho nông dân. Từ năm 2006 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với hệ thống khuyến nông các cấp, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho trên 50 vạn lượt hộ nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, BVTV, thú y… xây dựng trên 3 nghìn mô hình trình diễn kỹ thuật cho nông dân tham quan, học tập. Dịch vụ cơ giới hóa từng bước phát triển, đã hình thành một số mô hình tổ dịch vụ cơ giới hóa ở nông thôn. Nông dân từng bước thực hiện cơ giới từ khâu làm đất, gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay, phun thuốc BVTV, vận chuyển, đóng bầu gieo hạt cây con, thu hoạch sơ chế, bảo quản sản phẩm… do đó, năng suất lao động tăng, giảm dần sức ép lao động thời vụ, một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp đã chuyển dần sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tìm kiếm việc làm thêm bên ngoài, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là mặt hàng rau, củ, quả (bí đỏ, bí xanh, cà chua, dưa chuột, dưa hấu, hành tây, ớt, rau xanh, chuối tiêu, cây dược liệu…) được các doanh nghiệp, các, tiểu thương đến thu mua tại ruộng trên cơ sở thoả thuận, đảm bảo quyền lợi của nông dân, một số sản phẩm chất lượng cao được đặt hàng sản xuất và cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt xuất hiện một số nghề mới như: cây cảnh, cây thế; cây công trình; sản xuất giống cây nông nghiệp: giống lúa, giống rau; giống cây lâm nghiệp: cây sưa, lim, lát, sấu, trám… tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bám sát mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản của tỉnh tiếp tục được chỉ đạo theo hướng chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, vừa phát triển sản phẩm có thế mạnh, vừa tích cực đưa vào sản xuất những sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao; áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, kết hợp tăng năng suất với nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất về giống cây trồng, vật nuôi, hoạt động bảo vệ, kiểm dịch thực vật, dịch vụ tưới tiêu, nhất là hoạt động khuyến nông từng bước được nâng cao về chất lượng và có hiệu quả thiết thực. Đặng Quang Giới |