Cả làng đan lờ Lờ là một loại giỏ đan bằng tre, có hai đầu tua. Người dân ở vùng sông nước thường đặt lờ ở dưới nước để đánh tôm, cua mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài khác. Ở xã Tứ Yên (Sông Lô), nghề đan lờ đang là nghề xóa đói, giảm nghèo của 300 hộ gia đình. Gia đình bà Nguyễn Thị Vóc ở thôn Phú Thịnh chuyên làm nghề đan lờ, nhưng bà cũng không biết nghề đan lờ có từ bao giờ. Bà chỉ nghe các cụ kể rằng; “Đã từ lâu lắm rồi, Tứ Yên khi đó còn là một vùng hoang vắng ít người sinh sống, có một cụ tổ nghề đem theo nghề đan lờ về dạy cho người dân. Kể từ đó, cứ thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau, nghề đan lờ được lưu truyền trong dân làng cho đến tận bây giờ”. Từ khi mới 6 tuổi, bà đã được các cụ đi trước dạy cách đan lờ và năm nay dù đã bước sang tuổi 73 nhưng nhìn đôi bàn tay bà những khi đan lờ vẫn còn dẻo dai như thời con gái. Vốn đầu tư để làm một chiếc lờ không nhiều, nhưng lại tốn rất nhiều công sức bởi tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Để làm thành một chiếc lờ hoàn chỉnh, phải trải qua rất nhiều công đoạn như trẻ nan (nan đan ống lờ, vót nan đan vỉ, nan của tua), đan từng phần của lờ rồi buộc từng phần của lờ lại với nhau. Đơn giản như để đan được một chiếc vỉ buộc hai đầu của lờ, cũng cần đến hai loại nan khác nhau. Do nhiều công đoạn như vậy, nên gia đình bà Vóc thường phân công mỗi người một việc như người trẻ nan đan ống, người thì trẻ nan đan vỉ. Vật liệu đan lờ là tre, vì tre có đặc điểm dẻo dai. Còn những loại cây khác như mai, vầu không thể làm được vì giòn, khi uốn sẽ bị gẫy. Tùy theo kích cỡ to hay bé, mỗi cây tre có thể đan được từ 50 đến 100 lờ. Hiện mỗi ngày gia đình bà Vóc với 3 lao động đan được khoảng 25 chiếc lờ, với giá bán tại chỗ như hiện tại 5.000 đồng/chiếc lờ, mỗi tháng gia đình bà thu nhập khoảng 3 triệu đồng từ nghề đan lờ. Ở Tứ Yên, lờ là loại hàng hóa không sợ ế, vì nguồn hàng sản xuất ra đến đâu thì đã có người đến thu mua hết đến đó. Toàn xã có 300 hộ sản xuất lờ, nhưng cũng không bao giờ đủ cung cấp. Có một đội chuyên thu mua lờ rồi mang đi bán khắp mọi nơi, từ miền Bắc, miền Trung và thậm chí vào cả miền Nam xa xôi. Hàng năm, cứ đến mùa nước lên cũng là lúc nhu cầu sử dụng lờ tăng cao do nhiều người dùng lờ để đánh tôm, cua. Do lờ được làm từ tre, nên khoảng sau 2 tháng sử dụng, lờ sẽ mục dần nên người đánh thường phải thay lờ mới. Bởi vậy, quanh năm làng đan lờ lúc nào cũng rộn rã tiếng xe vào “ăn” hàng. Có một điều đặc biệt là nếu để đánh được tôm, cua mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của những loài khác, thì hiện nay không có gì có thể thay thế được lờ. Đã có nơi dùng nhựa để đan những chiếc lừa, giống như những chiếc lờ ở Tứ Yên, nhưng chỉ đánh được cua, còn tôm thì không đánh được. Và điều quan trọng trong cách đan lờ là kinh nghiệm của người đan để làm sao đánh được nhiều tôm, cua, điều mà chỉ có ở Tứ Yên mới làm được. Rất cần một thương hiệu Tứ Yên nằm bên dòng sông Lô. Toàn xã có 121 ha đất trồng lúa, trong đó có 60 ha đồng chiêm trũng chỉ cấy được một vụ lúa. Nhiều năm mưa lũ, sâu bệnh tàn phá nên sản lượng bấp bênh, giá trị kinh tế không cao. Trong khi đó nền kinh tế của xã chủ yếu là thuần nông, nguồn thu nhập của người dân dựa vào nông nghiệp là chính. Do đó, đối với 300 hộ gia đình đan lờ ở Tứ Yên, đây chính là nghề xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Ông Trần Xuân Đô, Phó Chủ tịch UBND xã nói rằng; Ban đầu người dân đan lờ vào những lúc nông nhàn, những lúc rảnh rỗi, còn ngày nay, mọi người đan cả ngày, đan quanh năm. Nghề đan lờ ở Tứ Yên đã góp phần giải quyết rất nhiều lao động tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình. Không những thế, từ việc có việc làm hàng ngày và ổn định, nên tình hình an ninh trật tự cũng tốt hơn do không còn người thất nghiệp. Bởi vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng của xã đã xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp, trong đó nghề đan lờ là một mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế của xã. Vừa qua, xã đã tổ chức hội thi đan lờ với ba đội thi đại diện cho 3 thôn có nghề đan lờ. Sự kiện này đã thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ cho các đội thi. Nhưng điều quan trọng hơn là qua đó khuyến khích người dân phát triển nghề đan lờ. Mặc dù là nghề đã có từ lâu đời, góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động, nhưng hiện nay đan lờ vẫn chỉ là một nghề độc đáo có ở Tứ Yên với quy mô sản xuất manh mún. Điều mà chính quyền và nhân dân Tứ Yên mong muốn là xây dựng được một thương hiệu làng nghề truyền thống, hướng sản xuất đến quy mô tập trung và được sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển sản xuất. Nguyễn Vương |