Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai lần này đã có nhiều điểm mới, khắc phục cơ bản những quy định còn chưa chặt chẽ hoặc chưa phù hợp trước đây. Để kịp thời thông tin đến bạn đọc vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Phúc có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Vĩnh Phúc.
Xin ông cho bạn đọc biết những điểm mới cơ bản trong Luật Đất đai 2013?
Luật Đất đai 2013 có nhiều điểm mới, thể hiện rõ quan điểm chủ sở hữu về đất đai là nhà nước và nhà nước giao cho các chủ sử dụng thông qua hình thức giao đất có thu tiền, cho thuê đất và giao đất không thu tiền.
Về chế độ sử dụng đất được làm rõ, đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tổ chức và cá nhân cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư. Trong đó quyền được giao đất có thu tiền, quyền được trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm cho cả thời gian thuê. Giá cho thuê giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài không có sự khác biệt. Đặc biệt, đất nông nghiệp được giao sử dụng 50 năm và hạn mức cũng được quy định cụ thể hơn cho từng vùng phù hợp với thực tế của các vùng. Mặt khác, để quản lý chặt chẽ, hạn chế việc sử dụng đất không có hiệu quả, các doanh nghiệp khi được giao đất, thuê đất phải được xem xét chi tiết thông tin về việc chấp hành chính sách pháp luật và phải ký quỹ đầu tư và khi không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xung quỹ tiền ký quỹ và không được bổi thường bất cứ khoản gì về bồi thường đất đai cũng như tài sản gắn liền với đất trong quá trình đầu tư.
Về giá đất, Chính phủ ban hành khung giá đất cho các vùng kinh tế để hạn chế mức độ chênh lệch giá đất giữa các tỉnh và các vùng giáp ranh giữa các tỉnh. Trường hợp, có sự khác biệt lớn phải báo cáo chính phủ để quyết định. Bảng giá đất được quy định 5 năm một lần, trong đó bảng giá đất chỉ sử dụng trong việc xác định nghĩa vụ tài chính như công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng, thuế sử dụng đất, lệ phí, phí trong quản lý sử dụng đất, xử phạt hành chính, bồi thường khi nhà nước gây thiệt hại. Tính tiền sử dụng đất khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại cho nhà nước. Còn các trường hợp khác kể cả bồi thường giải phóng mặt bằng phải được xác định theo giá cụ thể do các đơn vị tư vấn thực hiện được Hội đồng thẩm định giá của tỉnh thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.
Về thu hồi đất, trưng dụng đất cũng được quy định chặt chẽ và chi tiết hơn. Trong đó, quy định nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, các dự án kinh tế xã hội chỉ được thu hồi đối với các dự án theo quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh. Mặt khác, các thủ tục hành chính quy định trình tự, thủ tục được đảm bảo công khai, minh bạch để người dân biết và tham gia vào quá trình thu hồi đất. Một trong những điều kiện để thực hiện dự án là phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện. Về quy hoạch sử dụng đất có 3 cấp: Toàn quốc, tỉnh và huyện. Trong đó, căn cứ để thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất là căn cứ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hàng năm.
Cách tính bồi thường giải phóng mặt bằng được quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng chặt chẽ hơn. Trong đó, quyền lợi của người có đất bị thu hồi được quan tâm hơn như giá đất để tính bồi thường được xác định theo từng dự án, chính sách chuyển đổi nghề và hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ khác cũng được quy định rõ và phân cấp quyền chủ động cho địa phương. Bên cạnh quan tâm đến quyền lợi thì người có đất bị thu hồi phải có trách nhiệm kê khai đầy đủ và nhận tiền bồi thường theo quy định. Trường hợp không hợp tác sẽ bị cưỡng chế kiểm đếm kê khai, cưỡng chế thu hồi đất. Ngoài ra còn một số những điểm mới khác liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình quản lý đất đai.
Một trong những vấn đề hiện nay luôn được người dân hết sức quan tâm đó là việc được bảo đảm quyền lợi trong thu hồi đất. Vậy trong Luật Đất đai 2013 quy định vấn đề này như thế nào?
Luật quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (quy định tại Điều 61 của Luật) hoặc thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tại Điều 62). Các quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, thu hẹp hơn đối tượng thu hồi, khắc phục tình trạng thu hồi đất không hiệu quả trong thời gian vừa qua. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi minh bạch, công khai, dân chủ, rõ ràng hơn. Người có đất bị thu hồi, ngoài việc được thông báo công khai chủ trương thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn có đại diện trong Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng để được tham gia tính toán, thẩm định trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Để đảm bảo ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi, Luật Đất đai năm 2013 đã quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, như hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở và hỗ trợ khác do địa phương quy định. Trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định được xác định cụ thể cho từng dự án đảm bảo sát với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất với sự tham gia độc lập của tư vấn về giá đất và trình Hội đồng thẩm định tỉnh quyết định sẽ đảm bảo tính khách quan, khoa học. Luật quy định việc tái định cư phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở, hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan nhà nước, lỗi của người có đất thu hồi gây ra, để đảm bảo nguyên tắc quyền lợi đi đôi với trách nhiệm của chủ sử dụng đất và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ.
Xin ông cho biết về việc xác định giá đất theo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ triển khai thực hiện thế nào?
Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất. Về nguyên tắc, chỉ có hai loại giá đất là giá đất theo bảng giá do UBND tỉnh ban hành và giá đất cụ thể do UBND tỉnh quyết định sát giá thị trường cho từng khu đất. Trong đó, giá đất cụ thể có thể được xác định theo hai phương pháp: Giá theo hệ số (giá theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành nhân với hệ số) hoặc giá thẩm định. Hiện nay, văn bản pháp luật quy định về khung giá đất chưa được ban hành. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo cho phép sử dụng đơn giá đất năm 2014 đến hết 31/12/2014. Để triển khai về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Nội vụ thống nhất để điều chỉnh chức năng xây dựng khung giá đất và định giá đất cụ thể cho các cơ quan chức năng theo quy định của Luật. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch xây dựng khung giá đất 5 năm (2015-2019) để trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm. Ngành Tài chính đã xây dựng 2 quy định của UBND tỉnh về hệ số tính giá đất và thu tiền sử dụng đất 1 lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm; thu tiền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền theo Nghị định của Chính phủ số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định về thu tiền sử dụng đất, số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Thông tư của Bộ Tài chính số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 Hướng dẫn Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 Hướng dẫn Nghị định số 46/2014/NĐ-CP.
Để tháo gỡ khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng những tháng còn lại năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất UBND tỉnh cho áp dụng hệ số giá đất khi áp dụng bảng giá đất năm 2014.
Để Luật Đất đai năm 2013 sớm phát huy hiệu quả trong cuộc sống, công việc trước mắt của Vĩnh Phúc là gì thưa ông?
Để Luật Đất đai năm 2013 phát huy hiệu quả trong cuộc sống, ngay từ đầu Quý II (ngày 10/4/2014), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1722/KH-UBND V/v Triển khai thi hành Luật Đất đai. Theo đó, tỉnh ta đã và đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai nhằm nâng cao nhận thức, chính sách, pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, rà soát và khẩn trương ban hành các văn bản QPPL của tỉnh quy định cụ thể về 6 nội dung trong Luật và hơn 20 nội dung quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành đã phân cấp cho UBND tỉnh để kịp thời áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua danh mục dự án sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng và tham mưu báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ cho phép chuyển sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai. Đồng thời hướng dẫn các địa phương căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm của huyện, xã đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2015 trình HĐND tỉnh thông qua kỳ họp cuối năm. Chủ động xây dựng dự án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2 cấp 05 năm, giai đoạn (2016-2020) trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai trong năm 2015.
Thứ tư, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các ngành liên quan, đồng thời kiện toàn bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý đất đai, nhất là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai.
Thứ năm, đẩy mạnh việc điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gắn với việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn xử lý triệt để các vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai trước thời điểm 30/6/2014./.
Xin cảm ơn ông!