Nông thôn mới đã thành hiện thực trên quê nghèo Nam Viêm (thị xã Phúc Yên). Khúc sông Cà Lồ hiền hoà uốn lượn trong chiếc áo mới. Những con đường bê tông rộng dài đưa cơ giới đến với ruộng đồng. Trường học, trạm y tế, nhà văn hoá khang trang, rộn ràng những hoạt động cộng đồng. Cuộc sống ấm no, văn minh đang đến gần với mỗi người Nam Viêm. Anh Nguyễn Hồng Phong tự hào vì được góp phần nhỏ bé xây dựng NTM.
Phong sinh năm 1980 trong gia đình nông dân thuần tuý ở thôn Minh Đức. Là anh cả của 3 em, Phong sớm có ý thức trách nhiệm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đông anh em, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp 3, Phong làm cán bộ giúp việc cho Văn phòng UBND xã Nam Viêm. Là cán bộ trẻ, Phong luôn năng nổ, nhiệt tình, đặc biệt tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên tổ chức. Năm 2004, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2005, anh được phân công giúp việc cho Văn phòng Đảng uỷ, rồi cán bộ địa chính - xây dựng. Anh vừa đi làm vừa tham gia khoá học cao đẳng sư phạm Hà Nội, rồi Đại học Mỏ địa chất. Năm 2010, anh được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã. Mặc dù là cán bộ hợp đồng với đồng lương ít ỏi nhưng ở vị trí nào Phong cũng cố gắng, nỗ lực hết mình, hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất.
Khi Nam Viêm triển khai Chương trình xây dựng NTM, anh được phân công là thành viên Ban quản lý, Tổ trưởng tổ giúp việc. Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề đối với Phong. Anh biết rằng: xây dựng NTM là một chương trình phát triển tổng thể nông thôn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi cán bộ thực hiện phải hiểu nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự,.... Trong khi đó, Tổ giúp việc chỉ có 5 cán bộ kiêm nhiệm, bản thân anh lại là cán bộ hợp đồng.
Khó khăn ban đầu của Tổ giúp việc là thu thập, tổng hợp số liệu các ngành, các lĩnh vực để soạn thảo Đề án xây dựng NTM. Mặc dù, các thành viên của Tổ giúp việc đã nghiên cứu đầy đủ các văn bản hướng dẫn song không biết bắt đầu từ đâu. Sau khi được lãnh đạo Đảng, chính quyền gợi ý và tham quan mô hình NTM ở Thái Bình, Hà Nội, Phong cùng các thành viên hăng hái bắt tay triển khai thực hiện. Với vai trò Tổ trưởng, Phong phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các tiêu chí. Sau đó, anh tổng hợp số liệu, xây dựng dự thảo Đề án.
Vì là cán bộ kiêm nhiệm, nên công việc của Tổ giúp việc hoàn toàn phải thực hiện ngoài giờ. Đối với Nguyễn Hồng Phong, anh phải sắp xếp thời gian hết sức khoa học mới có thể hoàn thành lượng công việc được giao. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn của một cán bộ địa chính - xây dựng, anh hỗ trợ đắc lực cho Ban chỉ đạo xây dựng NTM. Anh ý thức rằng xây dựng NTM là việc mới và khó đối với cơ sở. Không những thế, áp lực về tiến độ đòi hỏi Tổ giúp việc nói riêng, hệ thống chính trị Nam Viêm nói chung luôn trong tình trạng "chạy nước rút". Kế hoạch ban đầu dự kiến Nam Viêm hoàn thành NTM vào năm 2018, rồi 2015 và cuối cùng là 2013.
Là cán bộ giúp việc trực tiếp giúp Ban chỉ đạo, Nguyễn Hồng Phong quản lý, phân loại các loại văn bản một cách khoa học; dành thời gian nghiên cứu văn bản để nắm chắc nội dung cần thực hiện. Anh chủ động tham mưu Ban chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản như: quyết định thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Tổ giúp việc, Ban phát triển thôn; kế hoạch thực hiện Chương trình cho mỗi giai đoạn,... Bên cạnh đó, Phong còn thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện mỗi tiêu chí; cập nhật, khai thác thông tin, tham khảo kinh nghiệm từ các địa phương trong và ngoài tỉnh để tham mưu, vận dụng phù hợp. Hàng tháng, anh cùng các thành viên tổng hợp số liệu, báo cáo tiến độ thực hiện các tiêu chí với Ban chỉ đạo, Ban quản lý. Ngoài ra, anh còn tham gia quy hoạch các công trình xây dựng, trực tiếp đo mốc giới; vận động nhân dân hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng,... Trong số các hộ dân hiến đất làm đường có ông ngoại của Phong cũng đã hiến 100m2 đất nông nghiệp quỹ I.
Kết quả công tác của anh có sự động viên, ủng hộ không nhỏ của người bạn đời. Bản thân anh là cán bộ hợp đồng đã hơn 10 năm, vợ anh là cán bộ y tế học đường, sinh con thiếu tháng, cuộc sống kinh tế nhiều khó khăn nhưng anh chị sống rất hạnh phúc. Anh chị xác định, xây dựng NTM là trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó cán bộ xã là lực lượng tiên phong.
Ghi nhận những thành tích đạt được, Nguyễn Hồng Phong được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng NTM.
Nguyễn Hồng Phong thực sự là một cán bộ cơ sở trách nhiệm, tâm huyết. Anh hy vọng được trở thành cán bộ định biên của xã để tiếp tục được góp sức, cống hiến xây dựng quê hương.
ĐÔNG PHƯƠNG (Phó Ban Tuyên giáo Thị uỷ Phúc Yên)