Sáp nhập tỉnh, thành, không tổ chức cấp huyện là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước, là bước đột phá về thể chế. Với tâm thế sẵn sàng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã và đang phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung mọi công việc để chuẩn bị vận hành tốt chính quyền địa phương 2 cấp, góp phần xây dựng nền hành chính tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân.
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Mặc dù toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 99,44% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập tỉnh, 100% xã có tỷ lệ cử tri đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đạt từ 50% trở lên nhưng trong quá trình sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vẫn không ít cán bộ, đảng viên và người dân còn băn khoăn, lo lắng.
Cán bộ, công chức phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) tích cực thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị vận hành bộ máy hành chính phường Vĩnh Yên, tỉnh Phú Thọ từ ngày 1/7. Ảnh: Dương Hà
Khi mới có chủ trương, ở nhiều địa phương, đơn vị, tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phần nào bị ảnh hưởng do tư tưởng sợ mất việc làm khi thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; sợ khó thích nghi khi thay đổi nơi công tác, vị trí công việc...
Để thuận lợi trong bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có. Đồng thời, xây dựng phương án sắp xếp nhân sự dự kiến ở bộ máy hành chính mới sau sáp nhập tỉnh, xã mới và các cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tích cực tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho các đối tượng thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc và những đối tượng tiếp tục công tác thực hiện luân chuyển công việc. Qua đó, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều nhanh chóng ổn định tâm lý, sẵn sàng đến đơn vị hành chính mới hoặc xin nghỉ hưu trước tuổi.
Đến nay, công tác sắp xếp về nhân sự ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện cơ bản đã hoàn tất, cán bộ, công chức đều đồng thuận, thống nhất cao, sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những ngày qua, nhiều cơ quan hành chính cấp tỉnh, chính quyền cấp xã mới đã đi vào vận hành thử bộ máy sắp xếp sau khi hợp nhất 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình và kết nối thống nhất để có sự chuyển giao, điều chỉnh kịp thời, chính thức vận hành thông suốt, thuận lợi từ ngày 1/7.
Tại huyện Sông Lô, qua rà soát và sắp xếp dự kiến cấp huyện có 5 người nghỉ việc và 78 người tiếp tục công tác; cấp xã có 50 người nghỉ việc, 219 người tiếp tục công tác, số người chuyển sang đơn vị hành chính khác là 18 người. Trước sắp xếp, huyện Sông Lô có 14 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp có 4 xã gồm: Tam Sơn, Sông Lô, Hải Lựu, Yên Lãng. Đến nay, bộ máy hành chính của các xã mới đã vận hành thử, từng bước bắt nhịp, sẵn sàng vận hành chính thức từ ngày 1/7.
Tại xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc) những ngày qua, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được phân công, cán bộ, công chức xã đang gấp rút kiểm kê, chuẩn bị công tác bàn giao, tiếp nhận giữa đơn vị hành chính cũ và mới. Biển tên đơn vị hành chính mới cũng được làm lại và treo trang trọng ngay bên ngoài trụ sở xã thay thế cho biển tên cũ. Xã Nguyệt Đức mới thuộc tỉnh Phú Thọ được sáp nhập từ 4 xã cũ của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc gồm: xã Nguyệt Đức, Văn Tiến, Trung Kiên, Trung Hà, có trụ sở đặt tại xã Nguyệt Đức hiện nay.
Từ ngày 25/6, xã Nguyệt Đức mới đã bắt đầu chạy thử để sẵn sàng các điều kiện vận hành về nhân sự, tổ chức bộ máy và hạ tầng kỹ thuật mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để bước vào vận hành chính thức từ ngày 1/7. Với tâm thế sẵn sàng và tinh thần quyết tâm, các nhiệm vụ của bộ máy mới được các cán bộ, công chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, nhất là công tác chuyển đổi số liên thông, đáp ứng yêu cầu mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Trần Văn Trò, Chủ tịch UBND xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, dự kiến sẽ nhận nhiệm vụ là Chánh văn phòng UBND xã Nguyệt Đức (mới) sau hợp nhất 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện để mở rộng không gian phát triển thì thực tế trong liên hệ công tác giữa trung tâm hành chính của xã với tỉnh mới sẽ có khoảng cách hơn nhưng sự chỉ đạo sẽ trực tiếp hơn và cũng mở ra cho chúng tôi, những cán bộ ở cơ sở nhiều cơ hội mới.
Các xã mới sẽ tiếp nhận hơn 1.000 nhiệm vụ được phân quyền từ cấp huyện, phù hợp với định hướng cải cách hành chính của Chính phủ. Với tâm thế sẵn sàng, chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sáng tạo của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và tinh thần quyết tâm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sự đồng thuận của nhân dân, hoạt động của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới sẽ thông suốt, hiệu quả và không bị gián đoạn.
Bình Duyên