Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành kiểm toán hiện đang cập nhật các ứng dụng mới, ưu tiên sử dụng công nghệ, nâng cao trình độ cho kiểm toán viên để đạt hiệu quả cao hơn trong các hoạt động kiểm toán.

Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Hiện nay, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thường tập trung đánh giá sự tuân thủ của các đơn vị được kiểm toán trên cơ sở hồ sơ do chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp cung cấp, đồng thời rà soát lại quy trình thực hiện của doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán và đưa ra kiến nghị, đánh giá dưới góc độ chuyên môn. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá, các vụ việc kinh tế hiện nay không liên quan đến phạm vi, đối tượng của Luật Kiểm toán độc lập, do đó, nhiều doanh nghiệp đã thuê kiểm toán nước ngoài, kiểm toán độc lập để kiểm toán. Đây chính là yếu tố khiến ngành kiểm toán khó đi sâu, đi sát với từng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự toán chi ngân sách nhà nước tại nhiều bộ, ngành, địa phương thường không sát, dẫn đến các khoản chi thường xuyên giải ngân thấp hơn so với mức dự toán đề ra. Ông Trần Quốc Việt, kiểm toán viên Phòng Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, các phương pháp tính thủ công cho kết quả chưa chính xác. Trước đây, việc làm thủ công với lượng hồ sơ, tài liệu lớn khiến công tác kiểm toán gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian. Để giải quyết hạn chế này, ngành kiểm toán phải cấp thiết ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, độ tin cậy và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.
Hiện nay, KTNN đang triển khai 27 phần mềm, ứng dụng phục vụ điều hành nội bộ và hoạt động kiểm toán, bao gồm các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động chuyên ngành; hệ thống kênh giao tiếp của KTNN và các hệ thống phục vụ tích hợp…
Từ năm 2019 đến nay, KTNN là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện thành công việc đưa tất cả ứng dụng trao đổi dữ liệu vào trục tích hợp. Đặc biệt, các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán được ưu tiên phát triển để hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. KTNN cũng đã hoàn thành việc thực hiện kết nối trục liên thông văn bản quốc gia với tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương tới các địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI cho biết, các thành viên trong đội kiểm toán được quán triệt áp dụng đầy đủ những phần mềm phục vụ, hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp kiểm toán viên tiết kiệm thời gian khi tra cứu, tổng hợp nội dung báo cáo, tiết kiệm chi phí trong việc in ấn tài liệu.
Bên cạnh đó, triển khai Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, KTNN đã hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án “Xây dựng nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu của KTNN với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đơn vị được kiểm toán”. Ngoài ra, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án “Xây dựng nền tảng dữ liệu lớn và hệ thống quản lý thông tin đối tượng kiểm toán” đã hoàn thành, tiếp nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia, bộ, ngành và hội đồng thẩm định của KTNN, trình lãnh đạo KTNN phê duyệt.
Từ năm 2023, KTNN đã đưa vào áp dụng 4 phần mềm mới hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động nghiệp vụ, như: Phân hệ quản lý kế hoạch kiểm toán giúp các đơn vị đề xuất kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026; phần mềm quản lý tài chính tập trung hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị dự toán của KTNN... Đồng thời, ứng dụng 13 phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành nội bộ.
Hiện việc xử lý, luân chuyển văn bản, hồ sơ tài liệu điện tử được thực hiện trên môi trường internet thông qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Các nhiệm vụ như công tác quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý tài chính, thi đua khen thưởng… cũng được thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng và tích hợp, triển khai trên thiết bị di động, hệ thống báo cáo nhanh đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo KTNN được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý cũng như công tác chuyên môn của ngành.
KTNN cũng thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; xây dựng cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử đa chiều giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán.
Thống kê sơ bộ cho thấy KTNN đã cấp hơn 6.000 tài khoản cho hơn 2.000 đơn vị được kiểm toán và tiếp nhận hơn 10.000 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của đơn vị được kiểm toán.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán cũng còn có mặt hạn chế như: Chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh quy định đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử và trao đổi, chia sẻ, kết nối dữ liệu với KTNN; đội ngũ chuyên trách làm công tác công nghệ thông tin của ngành còn mỏng, năng lực chuyên môn về công nghệ thông tin chưa đồng đều.
“Hiện nay, các ứng dụng công nghệ tại nhiều đơn vị được kiểm toán ngày càng hiện đại, khiến việc xử lý khá phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên phải nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Vũ Văn Cường, Kiểm toán trưởng KTNN đánh giá.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu đề ra trong giai đoạn chuyển đổi số, KTNN đang tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Trong đó, bồi dưỡng thế hệ trẻ là một khâu quan trọng. Với sự linh hoạt, nhạy bén trong ứng dụng công nghệ, đoàn thanh niên đang có nhiều hoạt động tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán song song với phát triển kỹ năng và năng lực của đoàn viên thanh niên.
Để tận dụng tốt những lợi ích công nghệ mang lại nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN trong giai đoạn 2025-2030, ngành kiểm toán cần tăng cường hiện đại hóa, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước, quản trị điều hành nội bộ của KTNN; tăng cường, đột phá trong việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN, giảm dần thời gian kiểm toán tại đơn vị.
Lãnh đạo KTNN chỉ đạo quyết liệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán một cách bài bản. Trong đó, đầu tư vào nhân sự và hạ tầng công nghệ là nội dung được đặt ra cấp thiết. Đồng thời, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp lý liên quan. Có như vậy, ngành kiểm toán mới thật sự đi đầu trong công tác kiểm toán và được doanh nghiệp, người dân tin cậy.
Văn Cường (Theo nhandan.vn)