Gia đình đầm ấm, hạnh phúc, tiến bộ là nền tảng để xã hội phát triển. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn tồn tại, gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của nạn nhân... Để ngăn chặn BLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội.
Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh, từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 2.600 vụ án hôn nhân và gia đình; trong đó, hơn 2.480 vụ có nguyên nhân từ mâu thuẫn gia đình. Điều này cho thấy, BLGĐ là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ly hôn.
Bên cạnh đó còn do ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam, khinh nữ; do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình... Nhiều người vẫn coi BLGĐ là vấn đề riêng của mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp. Hầu hết nạn nhân các vụ BLGĐ thường hay giấu kín, nhẫn nhịn, chịu đựng và không muốn “vạch áo cho người xem lưng”… Hậu quả của các vụ bạo lực ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình; người bị bạo hành chịu tổn thương về tinh thần, tâm lý, thậm chí có thể gây tử vong...
Hội Phụ nữ phường Khai Quang (Vĩnh Yên) tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Ảnh: Dương Chung
Câu chuyện của gia đình chị T.T.H ở thị trấn Kim Long (Tam Dương) là một ví dụ. Chung sống với nhau hơn 5 năm thì gia đình chị xảy ra mâu thuẫn, xích mích; sau nhiều lần cãi vã, tình cảm sứt mẻ cùng với những xung đột không thể được giải quyết. Bên cạnh đó, chồng chị H vốn có tính ghen tuông nên thường xuyên chửi mắng, đánh vợ. Tuy nhiên, vì thương con nên chị H cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng, không muốn ly hôn và cũng không muốn các ngành chức năng can thiệp.
Kịp thời ngăn chặn, hạn chế các vụ BLGĐ, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống BLGĐ.
Sở VH-TT&DL chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu, tuyên truyền người dân thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền những điểm mới của Luật Phòng, chống BLGĐ; nói chuyện chuyên đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”…; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ lớn như Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)…
Hiện, các cấp, ngành duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 350 mô hình phòng, chống BLGĐ (theo chuẩn của Bộ VH-TT&DL); 350 câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống BLGĐ; 876 địa chỉ tin cậy, 450 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ.
Các cấp Hội Phụ nữ tích cực tham gia các mô hình phòng, chống BLGĐ, đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tuyên truyền, vận động hội viên và người dân giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình...
Để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ, năm 2017, Chi hội Phụ nữ thôn Thạch Ngõa, xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường) đã thành lập CLB “Gia đình hạnh phúc” thu hút đông đảo thành viên tham gia, đa số là cặp vợ chồng. CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên, tạo điều kiện để các thành viên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình…
Các thành viên trong CLB được trang bị, phổ biến những kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình…, từ đó có thêm những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình khỏi BLGĐ.…
Chị Lê Thị Kim Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thạch Ngõa cho biết: Đây là điểm tựa vững vàng để những nạn nhân bị bạo lực dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu BLGĐ, thành viên các CLB sẽ đến tận gia đình để tìm hiểu sự việc, trực tiếp tham gia hòa giải những mâu thuẫn, xung đột; giúp nhiều cặp vợ chồng hòa thuận trở lại. Nhờ đó, nhiều năm qua, trên địa bàn thôn Thạch Ngõa không xảy ra tình trạng BLGĐ; các gia đình chung sống hòa thuận, hạnh phúc.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song, do những tác động của cuộc sống hiện đại khiến sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên thiếu bền vững. Tình trạng BLGĐ, bất bình đẳng giới vẫn xảy ra; số vụ ly hôn, ly thân có xu hướng gia tăng...
Để mỗi gia đình thực sự trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền công tác gia đình; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc; thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Minh Thu