Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai các chương trình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Vĩnh Phúc hiện có hơn 33.430 ha rừng và đất rừng; trong đó có 1 khu bảo tồn thiên nhiên là Vườn Quốc gia Tam Đảo, 2 khu di sản thiên nhiên, 1 vườn chim (vườn cò Hải Lựu), 2 loài động vật được ưu tiên bảo vệ là rắn hổ mang chúa và gấu, 17 cây di sản được vinh danh...

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo bảo tồn loài gấu đã được liệt vào sách đỏ trước nguy cơ bị săn bắt, nuôi nhốt và tận diệt. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đồng thời, tỉnh có hệ thống đất ngập nước tương đối phong phú với nhiều hình thái (đầm, hồ, sông, suối...) có tính đa dạng sinh học cao và phong phú với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có giá trị khai thác để phục vụ du lịch như hồ Đại Lải (Phúc Yên); đầm Vạc (Vĩnh Yên); hồ Thanh Lanh (Bình Xuyên); hồ Bò Lạc, hồ Vân Trục (Lập Thạch)…
Hướng tới sự phát triển bền vững, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ đa dạng sinh học luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhân các sự kiện về môi trường như Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6)...
Trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, trong đó có việc chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, hồ, sông.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030 duy trì và bảo vệ hiệu quả diện tích khu bảo tồn Vườn Quốc gia Tam Đảo; thành lập 3 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định từ 22 - 25%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; nâng cao chất lượng rừng và giá trị dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời thu thập, lưu giữ tối thiểu 80 nguồn gen...
Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tích cực triển khai, thực hiện, chỉ tính riêng trong năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh đạt hơn 601 ha, tăng 0,28% so với kế hoạch năm; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 774,8 nghìn cây, vượt 2,76% so với kế hoạch năm.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh thường xuyên tuần tra bảo vệ, xử lý những trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", duy trì cảnh báo, dự báo cháy rừng trên hệ thống truyền thông của tỉnh. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 25%.
Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh và các địa phương tổ chức thả hơn 30 tấn cá giống các loại gồm trắm, chép, mè, trôi... vào các thủy vực sông, hồ... nhằm góp phần bổ sung, tái tạo và phát triển đa dạng các loại thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò thiết yếu của đa dạng sinh học đối với sự sống và phát triển bền vững, hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 với chủ đề: “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công văn hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong đó nhấn mạnh các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi con người sống hài hòa với thiên nhiên, đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận phát triển từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững đến việc tích hợp các giải pháp dựa trên thiên nhiên trong các chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ, người lao động và nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên dương các điển hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường.
Đồng thời tiếp tục các giải pháp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên như bảo vệ nghiêm ngặt các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý hiệu quả đa dạng sinh học...
Lưu Nhung