UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 131, ngày 20/5, mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 15/6/2025.
Theo đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389, UBND các huyện, thành phố các lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Triển khai hoạt động kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực, sản xuất kinh doanh thương mại truyền thống, đặc biệt là trên môi trường không gian mạng nhằm phát hiện các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh hợp pháp.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật với các hình thức phong phú, đa dạng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo chuyển biến sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đợt cao điểm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và việc thực hiện các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Kiểm tra hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa/nguyên liệu để sản xuất hàng hóa.
Kiểm tra việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra việc thực hiện cân, đong, đo, đếm, đóng gói hàng hóa, chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng cân, đong, đóng gói để tăng giá hàng hóa. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Kiểm tra việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật…
Kiểm tra, phát hiện các hành vi lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận về định mức nguyên phụ liệu, chính sách ưu đãi thuế VAT, chuyển giá... và việc chấp hành quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế.
Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền, vận động phổ biến pháp luật tới tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và có các hành vi gian lận thương mại.
Các mặt hàng tập trung kiểm tra, kiểm soát là nhóm hàng tiêu dùng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân như thực phẩm, sữa, sược phẩm, mỹ phẩm, hàng hóa trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, N2O (khí cười), hàng dệt may, nguyên liệu... và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển các mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, như tiền giả; pháo các loại; thuốc nổ; ma túy; gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; động vật hoang dã...
Hàng hóa ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, máy móc, thiết bị điện - điện tử, phụ tùng xe cơ giới… Mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng.
Tập trung kiểm tra việc sản xuất, bày bán trái phép các loại hàng hóa; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vi phạm về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện và triệt phá các ở nhóm, tụ điểm tập kết, cất giấu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả…
Đối tượng và địa bàn kiểm tra gồm các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; sản xuất, kinh doanh hàng hoá; trung tâm thương mại, siêu thị; các kho hàng, điểm tập kết trung chuyển hàng hoá và các phương tiện vận chuyển hàng hoá có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; các website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng có chức năng bán hàng trực tuyến; các tổ chức, cá nhân có sử dụng mạng internet để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, chotot... các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Youtube… có các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT và các hành vi vi phạm có liên quan trong quá trình sử dụng TMĐT để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ.
Trong đó chú trọng các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,…
Mai Thơ