Mưa bão, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, để hạn chế thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các loại hình mưa bão, thiên tai có thể xảy ra.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai trên khắp các vùng miền trong cả nước. Trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1 - 1,5% GDP.
Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, thiên tai cũng xuất hiện bất thường, trái quy luật, khó dự báo, điển hình như đợt dông lốc ngày 10/6/2020 tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên làm 3 người chết, 18 người bị thương.
Đợt mưa lớn bất thường từ ngày 22-24 tháng 5 năm 2022 gây thiệt hại trên 800 tỷ đồng; siêu bão số 3 năm 2024 (bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông) gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân tại 26 tỉnh phía Bắc, riêng tại Vĩnh Phúc thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Các đợt thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn tỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây khoảng hơn 3.500 tỷ đồng.
Dự báo trong những năm tới, Vĩnh Phúc tiếp tục chịu tác động của nhiều loại hình rủi ro thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lốc, sét, mưa đá; lũ, ngập lụt, lũ quét; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng, hạn hán; rét hại, sương muối…

Các lực lượng chức năng diễn tập xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường trong và sau bão lụt trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Trong đó, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng toàn tỉnh trung bình từ 1-3 cơn/năm; mưa lớn từ 4-5 đợt; lốc từ 10-15 trận, sét từ 20-40 trận thường đi kèm mưa dông; ngập lụt cục bộ xảy ra ở nhiều vùng với cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất ghi nhận là cấp 3…
Để nâng cao năng lực, chủ động ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão, thiên tai gây ra, hằng năm, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị, lực lượng liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh và triển khai xây dựng phương án ứng phó ở địa phương, đơn vị mình.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về phòng chống thiên tai và chủ động truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về phòng ngừa, ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư nông nghiệp để cung ứng kịp thời khi thiên tai xảy ra.
Kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, xuống cấp của hệ thống đê điều, hồ đập, phương tiện phòng, chống thiên tai..., sẵn sàng đảm bảo an toàn khi có mưa lũ xảy ra.
Tổ chức rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công cụ để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các sự cố, thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực bị thiên tai, nhất là các khu vực sơ tán dân; bảo vệ các công trình trọng điểm, bảo vệ tài sản của nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả công tác diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện hàng năm, nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập, đảm bảo hiệu quả sát tình hình thực tế.
Rà soát các tuyến đường giao thông xung yếu, thường xuyên bị ngập, bị sạt lở… xây dựng phương án bảo đảm giao thông thông suốt khi có sự cố thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục ngay khi có sự cố trong thời gian nhanh nhất.
Xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư thiết yếu…cung cấp đầy đủ khi có các sự cố thiên tai, đảm bảo đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại.
Với nhiều nỗ lực không ngừng, trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn được Trung ương đánh giá cao và ghi nhận là một trong những địa phương có năng lực ứng phó thiên tai tốt của cả nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh