Thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo (GDĐT), Bộ GDĐT đã xây dựng Đề án quốc gia “Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế cho thế hệ trẻ. Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Vĩnh Phúc đang chủ động, quyết liệt thực hiện mục tiêu này thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, thực chất.
Học sinh Trường tiểu học Ngọc Thanh C (Phúc Yên) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Trà Hương
Trước khi có Đề án quốc gia “Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, ngành GDĐT tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng phòng học ngoại ngữ đa năng, trang bị thiết bị nghe - nhìn hiện đại; đồng thời chú trọng bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế; ban hành đề án dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng…
Trên cơ sở đó, các trường thuận lợi nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12; nhiều trường chủ động cho học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen với tiếng Anh thông qua các hoạt động ngoại khóa, bổ trợ; một số trường tiên phong dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học song ngữ giúp học sinh tiếp cận kiến thức bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ở cấp mầm non, nhà trường phối hợp với phụ huynh và các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ tiếp cận tiếng Anh…
Nhờ đó, nhiều năm nay, Vĩnh Phúc liên tục nằm trong tốp 10 tỉnh có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh cao nhất cả nước, nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, số lượng học sinh đi du học các nước Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Úc... ngày càng tăng.
Từ nền tảng cơ sở đó, ngành GDĐT Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh theo định hướng và tinh thần Đề án quốc gia “Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”.
Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt, ngành GDĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực tiếng Anh trong nhà trường; cử giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng chuẩn quốc tế về phương pháp giảng dạy, kỹ năng kiểm tra đánh giá và ứng dụng công nghệ trong dạy học tiếng Anh. Cùng với đó, đề xuất tỉnh đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, học liệu hiện đại phục vụ dạy học tiếng Anh.
Học sinh Trường tiểu học Liên Minh (Vĩnh Yên) học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Ảnh Trà Hương
Trong công tác chuyên môn, Sở GDĐT chỉ đạo các trường đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh; xây dụng môi trường học tiếng Anh hấp dẫn thông qua các câu lạc bộ ngoại ngữ, hội thảo du học, các sân chơi như “Hùng biện tiếng Anh”, “Ngày hội nói tiếng Anh”, “Trạng nguyên tiếng Anh”… để khơi dậy niềm yêu thích học ngoại ngữ ở học sinh.
Mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc coi việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Nhiều năm qua, nhà trường tổ chức dạy học song ngữ ở các môn khoa học tự nhiên; liên kết với nhiều tổ chức giáo dục quốc tế và mời giáo viên bản ngữ giảng dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh; phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức thi IELTS cho học sinh. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giao lưu với Đại sứ quán một số nước, ngày hội hướng nghiệp với sự tham gia của nhiều tổ chức giáo dục mang tính chất quốc tế, thi hùng biện tiếng Anh…
Với những giải pháp đó, nhà trường đã tạo cơ hội để học sinh tiếp cận tiếng Anh một cách chủ động, thực chất, hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện để giáo viên tiếng Anh phát triển chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy chuẩn quốc tế”.
Phòng GDĐT thành phố Vĩnh Yên thí điểm các mô hình lớp học tiên tiến về chất lượng tiếng Anh tại Trường THCS Tô Hiệu, Trường tiểu học Liên Minh mang lại hiệu quả tích cực khi chất lượng dạy và học tiếng Anh được nâng cao, học sinh hứng thú học tập, giáo viên được nâng cao trình độ… từ đó góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Anh trong nhà trường.
Trường THCS Vĩnh Tường nổi bật với mô hình “Ngày nói tiếng Anh” tổ chức vào các buổi sáng thứ 6, cả giáo viên và học sinh đều sử dụng tiếng Anh trong học tập và sinh hoạt; đồng thời, học sinh còn sử dụng tiếng Anh để viết nhật ký trải nghiệm, thuyết trình, tham gia trò chơi, giao lưu trực tuyến… qua đó góp phần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong học đường.
Là giáo viên tiếng Anh cốt cán của tỉnh, cô Trần Thị Thùy, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Tiếng Anh đang dần trở thành cầu nối giúp học sinh tiếp cận tri thức, trở thành công dân toàn cầu. Với vai trò là giáo viên bộ môn, tôi luôn đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn năng lực ngoại ngữ, tăng cường hoạt động ngoại khóa, thực hành giúp học sinh phát triển toàn diện tư duy và kỹ năng, từ đó, các em tự tin và có khả năng thích ứng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.
Gặp em Đàm Phúc An, Trường tiểu học Liên Minh, nhiều người bất ngờ khi mới là học sinh lớp 1 nhưng em phát âm tiếng Anh rất chuẩn. Phúc An cho biết: "Em được học trực tiếp với giáo viên nước ngoài. Mỗi giờ học tiếng Anh, em đều thấy thích thú".
Với tầm nhìn chiến lược, định hướng đúng đắn và sự đầu tư bài bản, ngành GDĐT Vĩnh Phúc đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Hành trình ấy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự quyết tâm của toàn ngành, sự chung tay của phụ huynh, nhà trường và xã hội, Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ học sinh có tri thức, giỏi công nghệ, giỏi ngoại ngữ để tự tin hội nhập trong kỷ nguyên số.
Minh Hường