Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực thi các FTA; tăng cường xúc tiến thương mại, chuyển đổi số... Trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường nước ngoài, vững vàng vươn mình ra "biển lớn", thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của nước ta.
Với quy mô có hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động xuất khẩu, để hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng hiệu quả các FTA mang lại, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành kịp thời văn bản, chủ động tổ chức, lồng ghép các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về đường lối đối ngoại, hội nhập vào các chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

Trước những tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, UBND tỉnh đã triển khai đánh giá tình hình ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô - xe máy. (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất xe máy phân khối lớn tại Công ty TNHH Polaris Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Nguyễn Lượng
Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các Hiệp định tới cộng đồng các doanh nghiệp trong KCN thông qua trang thông tin điện tử, qua việc lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hội nghị, lớp tập huấn có sự tham gia của doanh nghiệp; hỗ trợ, cung cấp thông tin, kết nối để các doanh nghiệp trong KCN từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao, bao gồm công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao đúng theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Sở Công thương đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu; cập nhật thường xuyên các quy định có liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu, thông tin về thị trường xuất khẩu, các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài để các doanh nghiệp nắm bắt, kịp thời định hướng, chuẩn bị phương án kinh doanh....
Thông qua các hoạt động trợ lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các Hiệp định FTA đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển; mở rộng thị trường xuất khẩu với cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng có hàm lượng công nghệ, chất xám cao. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 16,3 tỷ USD, tăng 12,55% so với năm 2023.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, tìm hiểu, nghiên cứu, do đó việc áp dụng và tận dụng các cam kết trong các Hiệp định chưa được triệt để, hiệu quả chưa cao, chưa chú trọng tiếp cận các thông tin về hội nhập để xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài...
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA Index của các địa phương năm 2024, Vĩnh Phúc chỉ xếp vị trí số 43/63 so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này đặt ra cho tỉnh yêu cầu cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu trong chuỗi kinh tế toàn cầu.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế đến các doanh nghiệp, các nội dung về các FTA mà Việt Nam đã ký kết và công tác thông tin thị trường, dự báo tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu thông qua phối hợp Cục Xuất nhập khẩu để doanh nghiệp chủ động xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; thực hiện tốt các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức do các chính sách điều chỉnh thuế quan, các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu, trong đó có Hoa Kỳ, UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành rà soát, đánh giá rõ tình hình, những tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tình hình lao động, việc làm... để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực ứng phó, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Sở Công thương tỉnh đã đề nghị Bộ Công thương thường xuyên quan tâm cập nhật, thông tin cho địa phương về chính sách thuế, thuế quan, rào cản kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan của Hoa Kỳ hiện hành và dự kiến áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ như linh kiện xe máy, hàng may mặc, mũ bảo hiểm, giày dép các loại, thiết bị gia dụng...; thông tin về các chính sách đối ứng, hướng dẫn xử lý, hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Công thương để địa phương có cơ sở phối hợp triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả...
Lưu Nhung