Với bản lĩnh từng là chiến sĩ tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, sau khi xuất ngũ trở về, trải qua nhiều vị trí công tác, đặc biệt là 21 năm với cương vị người đứng đầu điều hành quản lý, cựu chiến binh, doanh nhân Lê Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên đã chèo lái một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản (năm 2004) trở thành doanh nghiệp chuyên sản xuất giày xuất khẩu uy tín sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Hồng Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan… mỗi năm doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân lao động.
Giản dị, mộc mạc và chân thành khi trò chuyện với Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên Lê Thanh Thủy tại phòng làm việc của ông tại trụ sở công ty - nơi đặt nhà máy chính ở phường Đống Đa (Vĩnh Yên) .
Năm nay ông đã 59 tuổi, nhưng dáng vẻ vẫn rất phong độ, lịch lãm và nhanh nhẹn, hằng năm có nhiều sáng kiến khoa học kỹ thuật được áp dụng vào quản lý, sản xuất kinh doanh tại đơn vị đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong 5 năm gần đây, ông Lê Thanh Thủy đã có 4 sáng kiến được áp dụng vào quản lý, sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, gồm: “sáng kiến cải tiến máy chặt”, “sáng kiến cải tiến công tác tiền lương”, “sáng kiến đầu tư tiết kiệm năng lượng cho công ty”, “sáng kiến mở rộng thị trường xuất khẩu”.
Riêng “sáng kiến cải tiến máy chặt”, nâng cấp từ khổ chặt 1,2m lên 1,6m, qua đó, đáp ứng được sự đa dạng của nguyên liệu, nâng công suất tăng thêm 30%. Nhờ áp dụng sáng kiến này, làm lợi cho công ty hơn 2,6 tỷ đồng/năm.

Doanh nhân Lê Thanh Thủy giới thiệu về Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa liên bang Đức GUIDU HILDNER.
Sáng kiến “Mở rộng thị trường xuất khẩu”, được xác định trước đây thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu vào thị trường Hàn Quốc và EU, nay mở rộng sang thị trường các quốc gia mới như Brazil, Pháp, Anh, Nhật Bản, Thái Lan, Canada, Luxembourg, Ý và Hoa Kỳ…
Để có thể xâm nhập vào thị trường “khó tính” này, doanh nghiệp phải đáp ứng khắt khe về kỹ thuật và chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Với các giải pháp duy trì chất lượng sản phẩm, hợp tác dài hạn, nâng cao tay nghề công nhân, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nâng doanh thu năm sau cao hơn so với năm trước.
Những năm gần đây, doanh thu của công ty luôn luôn đạt từ 350 tỷ đồng đến hơn 415 tỷ đồng/năm, đảm bảo duy trì việc làm thường xuyên cho gần 3.000 công nhân lao động với mức thu nhập bình quân đạt hơn 7,2 triệu đồng/người/tháng. Đây là một con số đáng tự hào trong điều kiện kinh tế thế giới và kinh tế trong nước suy giảm.
Ngược dòng thời gian về năm 2004, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên đứng bên bờ vực phá sản, thời điểm đó, dây chuyền công nghệ máy móc lạc hậu, không đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm của những thị trường khó tính của châu Âu, Hoa Kỳ… dẫn đến thiếu việc làm, thu nhập thấp (toàn công ty có hơn 300 công nhân), thua lỗ lũy kế hơn 27 tỷ đồng (nợ gấp hơn 5 lần doanh thu hằng năm).
Trước tình hình trên, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, với bản lĩnh của người lính cộng với kinh nghiệm thực tế và quyết tâm, ông Thủy đã thực hiện cổ phần hóa sớm hơn yêu cầu của tỉnh.
Cùng với việc tích cực sắp xếp lại nhân lực, đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; năm 2006, công ty có lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu, đảm bảo chất lượng yêu cầu và ký được hợp đồng lớn dài hạn 5 năm với Đài Loan (Trung Quốc) với doanh số 1,2 triệu đôi giày/năm.
Từ đó, xây dựng được lòng tin với khách hàng, 4 năm sau công ty trả hết nợ, tạo đủ việc làm cho gần 600 công nhân với thu nhập ổn định, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với nhà máy.
Từ nền tảng thành công bước đầu, cộng với nỗ lực khám phá vươn lên, đến năm 2015, công ty mở rộng thêm chi nhánh tại xã Hoàng Lâu (Tam Dương) nâng tổng công suất lên 1,8 triệu đôi giày/năm, thu hút hơn 1.600 lao động làm việc thường xuyên; từ năm 2016 đến nay công ty duy trì việc làm cho gần 3.000 lao động với mức lương, thưởng ổn định.
Dưới sự chèo lái dẫn dắt của ông Lê Thanh Thủy, 5 năm gần đây, doanh thu của công ty luôn đạt gần 400 tỷ đồng/năm, tạo đủ việc làm cho công nhân với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. 100% công nhân được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Với kết quả đạt được, doanh nhân Lê Thanh Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều ngành ở Trung ương và tỉnh khen thưởng “Doanh nhân tiêu biểu”, “Doanh nhân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Doanh nhân sáng tạọ”….
Nói về hội nhập trong thời kỳ mới, doanh nhân Lê Thanh Thủy cho biết: Quá trình hội nhập đòi hỏi khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và cả sự dấn thân. Để đáp ứng yêu cầu sản phẩm xuất khẩu và duy trì quan hệ lâu dài bền vững với đối tác, duy trì đủ việc làm cho công nhân, đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp liên tục cập nhật cái mới, tân tiến của đối tác; mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, có giải pháp giữ chân công nhân trẻ, có tay nghề cao, trình độ kỹ thuật bằng chế độ lương, thưởng và các phúc lợi khác.
Cá nhân ông trong tiến trình hội nhập tiếp tục học ngoại ngữ, rèn luyện, thu hút đội ngũ có tay nghề giỏi, duy trì các quan hệ tốt với đối tác, tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo, đặc biệt đáp ứng đòi hỏi khắt khe trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế để hội nhập thành công.
Bài, ảnh: Xuân Hùng