Trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu là rất cần thiết. Qua đó tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với chủ trương "Lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá", tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Ngành công nghiệp đã thật sự là động lực, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng cao.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp (KCN), 16 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt gần 60%, CCN hơn 42%.

Công ty TNHH Solum Vina (KCN Bá Thiện II) là doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị truyền thông. Ảnh: Thế Hùng
Giai đoạn 2021-2024, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao, chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò là động lực cho phát triển KT-XH toàn tỉnh.
Năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp của tỉnh chiếm hơn 42% tổng giá trị thì đến năm 2024 chiếm 43,43% trong cơ cấu GRDP các ngành kinh tế của tỉnh. Việc phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy, gia công sản xuất linh kiện điện tử đã thu hút và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Dự báo thời gian tới, ngành công nghiệp của tỉnh sẽ có nhiều cơ hội phát triển, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh và góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển chưa thực sự bền vững và theo chiều sâu với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khoa học - công nghệ chưa là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất ngành công nghiệp.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chưa thực sự hợp lý do tập trung ở nhóm ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản phẩm điện tử, thiết bị điện (chiếm tới 90%). Các dự án công nghiệp quan trọng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã khai thác gần hết công suất; chưa hình thành thêm các cơ sở công nghiệp quy mô lớn có tác động mạnh đến tăng trưởng công nghiệp cao hơn trong giai đoạn tới.
Sự cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày càng gay gắt, do đó, việc thu hút các dự án đầu tư công nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn...

Sản xuất linh kiện, bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH Vina NewFlex, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên).
Ảnh: Thế Hùng
Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động sẽ có những tác động mạnh đến phát triển ngành công nghiệp trong các giai đoạn tới.
Việc phát triển công nghiệp của tỉnh theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là rất cần thiết nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo động lực hiện thực hóa các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đã được phê duyệt.
Thời gian tới, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, lợi thế như: Công nghệ thông tin và viễn thông; điện, điện tử và các sản phẩm công nghiệp bán dẫn, điện tử hoàn chỉnh, cơ điện tử; các sản phẩm ô tô, xe máy điện và các sản phẩm dùng cho công nghiệp ô tô; thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô phù hợp với xu thế toàn cầu hóa như sử dụng công nghệ hybrid, chạy bằng điện...
Đẩy mạnh và khuyến khích chuyển đổi số, phương thức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất.
Đồng thời thúc đẩy mối liên kết giữa các ngành, cụm ngành và KCN, tạo thành một hệ sinh thái sản xuất hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, CCN để thu hút đầu tư...
Lưu Nhung