LTS: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành đề án triển khai nhiệm vụ này và lấy ý kiến cử tri, nhân dân toàn tỉnh. Phóng viên Báo Vĩnh Phúc lược ghi một số ý kiến tâm huyết.
Ông Đỗ Duy Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch: Xây dựng chính quyền cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn
Thời điểm này, cùng với các địa phương trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền xã Liên Hòa đang khẩn trương hoàn thành công tác lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 và sáp nhập cấp tỉnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Qua nắm bắt tình hình, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã đều ủng hộ, đồng thuận, tin tưởng chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập cấp tỉnh sẽ mang lại lợi ích to lớn đối với đất nước và nhân dân.
Việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ bố trí lại đơn vị hành chính phù hợp, bổ sung nguồn lực, tạo không gian phát triển cho các địa phương.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập cấp tỉnh sẽ tăng thẩm quyền cho chính quyền cấp cơ sở, xây dựng mô hình chính quyền gần dân, sát dân, hướng về nhân dân.
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu; luôn tự trau dồi, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
Tôi tin tưởng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng hiệu quả yêu cầu phục vụ người dân, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo: Chính quyền vì nhân dân, mở rộng không gian phát triển du lịch
Qua theo dõi thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã, bỏ cấp huyện) giúp cải cách bộ máy hành chính, giảm chồng chéo, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua, huyện Tam Đảo từ 9 đơn vị hành chính cấp xã sẽ thành lập 3 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Điều này không những giúp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền cấp trên và người dân, chuyển nguồn lực cho cấp xã, mà còn tạo ra không gian phát triển cho xã mới thành lập. Theo đó, xã mới sẽ đưa ra nhiều chủ trương, định hướng phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Để bộ máy hành chính mới hoạt động hiệu quả, các cấp cần quan tâm bố trí cán bộ công chức, viên chức phù hợp, có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức; tạo thuận tiện cho người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trên môi trường điện tử...
Ông Hoàng Kim Ngọc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường: Bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách quân sự có trình độ chuyên môn
Tôi đã đọc và nghiên cứu Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII phê duyệt ngày 16/4/2025. Theo Đề án, Vĩnh Phúc sẽ sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn để thành lập 36 đơn vị hành chính cấp xã mới. Trong đó, xã Ngũ Kiên sẽ được sáp nhập với các xã An Nhân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phú thành xã Vĩnh Tường 3. Tôi hoàn toàn nhất trí với phương án sắp xếp này, bởi đây là xu hướng tất yếu để đất nước ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, diện tích các xã mới sẽ mở rộng, dân số thay đổi, vấn đề an ninh trật tự, quân sự, quốc phòng cần có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành. Bởi vậy, tôi rất quan tâm đến vấn đề bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là đội ngũ cán bộ phụ trách quân sự tại các xã.
Tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiên cứu, bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách quân sự, quốc phòng có năng lực, trình độ chuyên môn tại các xã phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo nhiệm vụ của địa phương.
Bà Trương Thị Vân, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 1, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên: Quan tâm sắp xếp cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã nắm bắt và đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập xã, phường.
Đây là nhiệm vụ cần thiết, tuy nhiên, tôi mong muốn quá trình sáp nhập, các cấp, ngành xem xét yếu tố lịch sử, văn hóa, kết hợp với không gian phát triển. Đồng thời, cấp trên cần nghiên cứu đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh và kết thúc hoạt động của tổ chức bộ máy cấp huyện. Trong đó, quan tâm tới cán bộ có năng lực, trình độ, cống hiến lâu năm phải nghỉ trước tuổi, tránh bị thiệt thòi.
Việc sắp xếp cán bộ dôi dư do sáp nhập, tinh gọn cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định nhằm trọng dụng được cán bộ, công chức, viên chức vừa có đức, vừa có tài, đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tránh tình trạng bỏ lọt người tài, “chảy máu chất xám”; đặc biệt, nên khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát huy năng lực, tạo môi trường cho họ cống hiến vì mục tiêu chung.
Bà Nguyễn Thị Lệ, tổ dân phố Chám, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên: Tạo thuận lợi cho người dân về thủ tục hành chính sau khi sáp nhập đơn vị hành chính
Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi đồng thuận với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh và Đề án sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình. Tới đây, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ sáp nhập và bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.
Việc sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện là rất cần thiết, giúp mở ra những cơ hội, tạo sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tiềm năng phát triển của địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Đồng thòi, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, khi bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tôi mong muốn các cơ quan hành chính nhà nước quan tâm bố trí địa điểm, hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ như căn cước công dân, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục chuyển hộ khẩu thường trú...
Bà Kim Hạnh Nguyên, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc: Nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính
Tôi được biết thông tin về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh mới được thông qua. Theo đó, Vĩnh Phúc sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã mới, trong đó, có 32 xã, 4 phường, giảm 85 đơn vị hành chính cấp xã. Xã Liên Châu sẽ được sáp nhập với xã Đại Tự và xã Hồng Châu thành xã Yên Lạc 1, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại xã Liên Châu hiện nay.
Qua tìm hiểu Đề án và các thông tin về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính có thể sẽ thay đổi nhiều giấy tờ liên quan đến người dân với số lượng rất lớn, khối lượng các công việc của bộ máy mới sẽ tăng lên.
Vì vậy, rất mong các cấp ủy, chính quyền quan tâm bố trí đủ cán bộ có đức, có năng lực thực sự và sớm đưa ra những cơ chế, quyết sách, quy định kịp thời, phù hợp để vận hành bộ máy hành chính nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.
Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa người dân chuyển đổi giấy tờ hành chính sau sắp xếp, đảm bảo các giao dịch dân sự không bị gián đoạn, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phú, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên: Lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm tại đơn vị hành chính mới
Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh và Đề án sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, tới đây, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ sáp nhập và thực hiện bỏ đơn vị hành chính cấp huyện. Sau đó, 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình sẽ tiến hành sáp nhập để thành lập tỉnh mới và đặt trung tâm hành chính ở Phú Thọ.
Việc sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện là rất cần thiết, giúp mở ra những cơ hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tạo thêm động lực để quê hương vững bước tiến vào kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng, phát triển của dân tộc.
Tuy nhiên, khi sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện, cơ quan mới, đơn vị hành chính mới lớn hơn, dân số đông hơn, khối lượng công việc cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn những cán bộ tinh túy nhất để làm việc ở các đơn vị hành chính mới, nhất là đối với cấp xã; bởi cán bộ xã là người trực tiếp gần dân, sâu sát hằng ngày với đời sống của nhân dân. Ngoài đáp ứng về trình độ chuyên môn, cán bộ xã phải có tinh thần làm việc gần dân, vì nhân dân phục vụ.
Bà Nguyễn Thị Hương Lý, tổ dân phố Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính
Qua theo dõi thông tin đại chúng và tuyên truyền của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tôi hoàn toàn nhất trí, ủng hộ cuộc cách mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện. Đây là yêu cầu khách quan, tất yếu khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới để hội nhập và phát triển. Khi bộ máy được tinh gọn, không còn cồng kềnh sẽ góp phần giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư tái thiết xã hội, thêm nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân.
Sau sáp nhập, việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của các đơn vị hành chính là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Do vậy, tôi mong muốn sau sáp nhập, các cơ quan, đơn vị mới nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, duy trì hoạt động liên tục, hiệu quả để không làm gián đoạn công việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Việc tinh gọn bộ máy cần gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực phục vụ và quản lý. Các cấp, các ngành nghiên cứu, ban hành chính sách miễn, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí, giúp người dân giảm chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi giấy tờ, nâng cao hiệu quả phục vụ, mức độ hài lòng của người dân.
Ông Nguyễn Anh Khương, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô: Đảm bảo an ninh trật tự sau sáp nhập
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh. Theo đó, sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập 36 đơn vị hành chính cấp xã mới. Huyện Sông Lô dự kiến sáp nhập còn 4 xã, gồm: Sông Lô, Sông Lô 1, Sông Lô 2, Sông Lô 3.
Tôi thấy đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng, có thể mở rộng dư địa phát triển cho các địa phương, từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tên gọi dự kiến các đơn vị hành chính mới cũng phù hợp, ngắn gọn, dễ nhớ nên người dân hoàn toàn ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh trật tự do địa bàn rộng, dân cư đông. Vì vậy, tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch, biện pháp hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Thường xuyên đẩy mạnh và đa dạng biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Bố trí lực lượng công an theo dõi, phụ trách từng địa bàn dân cư nhằm kịp thời phát hiện, giải quyết vụ việc ngay khi phát sinh, tránh để xảy ra phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.
P.V