Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử không chỉ là ký ức của quá khứ mà còn là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi đường, dẫn lối cho hiện tại và tương lai. Vì vậy, dạy học lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu về cội nguồn dân tộc và hun đúc lòng yêu nước, hình thành bản lĩnh để tự tin bước vào tương lai.
Cô giáo Phạm Thị Kim Dung, Trường THPT Phạm Công Bình (Yên Lạc) luôn nhiệt huyết truyền lửa tình yêu lịch sử đến học sinh.
Lịch sử là nơi lưu giữ những trang vàng của dân tộc. Từ Bạch Đằng, Chi Lăng đến Điện Biên Phủ…, lịch sử Việt Nam là bản trường ca về tinh thần quật cường, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí tự lực, tự cường để hun đúc nên bản lĩnh Việt.
Nhưng nếu không được học, không được kể lại, không được thấm vào trái tim thế hệ trẻ, thì những giá trị ấy có nguy cơ chìm vào lãng quên. Giáo dục lịch sử là hành trình đánh thức ký ức, thắp lên niềm tự hào và bồi đắp tinh thần dân tộc. Dạy học lịch sử không phải để sống trong quá khứ mà để hiểu quá khứ, hiểu giá trị của những hy sinh, mất mát để có được hiện tại hôm nay, từ đó viết tiếp tương lai.
Suy nghĩ thường gặp trước đây là học lịch sử chỉ để nhớ ngày tháng, sự kiện nên nhiều học sinh không hứng thú. Nhưng lịch sử không nằm trong những con số mà ở những câu chuyện về con người, về lựa chọn và lý tưởng. Tại sao một triều đại sụp đổ? Vì đâu một cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi? Điều gì khiến một con người trở thành anh hùng dân tộc?... Những câu hỏi đó không chỉ giúp học sinh hiểu lịch sử mà còn rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và khả năng chọn lựa giá trị sống đúng đắn. Học lịch sử là học cách không lặp lại sai lầm cũ, học cách đưa ra quyết định sáng suốt trong hiện tại để tạo nên tương lai tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, giới trẻ dễ bị cuốn vào làn sóng văn hóa ngoại lai, do đó, nền tảng văn hóa, lịch sử trở thành “tấm hộ chiếu tinh thần” giúp người trẻ hội nhập mà không hòa tan, vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Ngành GDĐT tỉnh đã thực hiện đổi mới dạy và học môn lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở bậc tiểu học, THCS, chương trình môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới.
Ở cấp THPT, môn Lịch sử được giảng dạy theo hướng để học sinh tiếp cận, củng cố, nâng cao các kiến thức theo các chủ đề, chuyên đề, phục vụ cho định hướng nghề nghiệp.
Cùng với đó, toàn ngành đổi mới cách dạy học lịch sử như dạy học qua phim tư liệu, tổ chức tham quan di tích, sân khấu hóa lịch sử, đưa công nghệ vào giảng dạy với thực tế ảo, bảo tàng số, trò chơi tương tác… Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các cuộc thi về lịch sử, mời nhân chứng lịch sử đến trường nói chuyện với học sinh, phối hợp với phụ huynh đưa học sinh tham quan các địa điểm liên quan đến lịch sử dân tộc…
Cô Phạm Thị Kim Dung, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Phạm Công Bình (Yên Lạc) cho biết: “Lịch sử nếu chỉ được truyền đạt theo cách truyền thống sẽ khiến học sinh tiếp cận thụ động, nhàm chán. Tôi đã nỗ lực đổi mới mình để mình vừa là giáo viên vừa là người kể chuyện, người truyền cảm hứng.
Trong quá trình giảng dạy, tôi chú trọng đổi mới về phương pháp, trong đó, cập nhật, sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để soạn giảng giáo án, nghiên cứu tài liệu và phục vụ giảng dạy trên lớp. Tôi hướng dẫn học sinh phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu tài liệu… Việc đổi mới phương pháp dạy - học đã làm sống dậy lịch sử một cách sinh động, giúp học sinh cảm nhận, kết nối và yêu lịch sử một cách tự nhiên, hào hứng”.
Là giáo viên giỏi môn Lịch sử, thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn, Trường THCS Lập Thạch cho biết: “Muốn học trò yêu thích học lịch sử, tôi không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ, kinh nghiệm. Tôi tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu bài học, thiết kế bài giảng điện tử, lồng ghép các tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ về lịch sử, tích hợp kiến thức liên môn… để bài giảng thêm sinh động, cuốn hút. Những bài giảng lịch sử không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức mà còn góp phần bồi đắp cho các em về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Nhiều học sinh đã trưởng thành và nỗ lực cống hiến cho quê hương, đất nước”.
Thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn, Trường THCS Lập Thạch ứng dụng công nghệ trong dạy học lịch sử. Ảnh: Trà Hương
Theo xu hướng phát triển, thế hệ trẻ được đào tạo trở thành công dân toàn cầu. Nhưng để vươn ra thế giới, các em phải biết mình là ai, phải có gốc rễ. Một học sinh giỏi nhưng không biết lịch sử, không tự hào về lịch sử dân tộc là một khoảng trống nguy hiểm. Giáo dục lịch sử là hành trình gieo hạt giống bản lĩnh, lý tưởng và khát vọng cho thế hệ trẻ. Làm cho lịch sử "sống dậy" chính là chuẩn bị hành trang vững vàng cho thế hệ trẻ trên con đường hội nhập.
Từng là học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, em Trần Thị Kim Ánh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Lịch sử giúp chúng em hiểu được những gì cha ông đã trải qua, đã hy sinh để giữ gìn độc lập dân tộc; đồng thời giúp chúng em hình thành bản lĩnh, lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân. Trong một thế giới mở, việc hiểu biết về lịch sử giúp chúng em bắt kịp xu thế hội nhập mà vẫn luôn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc và lý tưởng sống đúng đắn. Nhờ học lịch sử mà em đã phấn đấu thực hiện ước mở trở thành chiến sĩ cảnh sát, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.
Tương lai không thể xây trên một nền quá khứ mờ nhạt. Dạy học lịch sử là đánh thức bản sắc, khơi dậy khát vọng, vun đắp tinh thần dân tộc và gieo mầm tương lai. Trong guồng quay của kỷ nguyên số, lịch sử vẫn là ánh sáng soi đường cho chúng ta không lạc lối. Hướng về tương lai bằng hành trang của quá khứ chính là cách mỗi người Việt trẻ giữ mình, giữ nước và viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc để góp phần đưa đất nước vững bước vào tương lai.
Minh Hường