Bảo tàng tỉnh không chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa, di tích lịch sử của quê hương, đất nước mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh quá trình phát triển của tỉnh qua các thời kỳ. Với kho tàng tư liệu, hiện vật được lưu giữ, bảo quản cẩn thận, nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, cả nước nói chung.
Bảo tàng tỉnh được thành lập năm 1997, nằm trên khu Đồi Cao, trung tâm thành phố Vĩnh Yên. Qua gần 30 năm hoạt động, bảo tàng đang lưu giữ trên 11.000 đơn vị hiện vật, tài liệu khoa học tái hiện quá trình hình thành, phát triển lịch sử và văn hóa của vùng đất Vĩnh Phúc.
Tại không gian trưng bày ngoài trời, bảo tàng trưng bày các hiện vật có hình khối lớn gắn với những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, điển hình là chiếc xe tăng T34 - số hiệu 137, một trong những chiếc xe tăng đầu tiên được đưa từ Vĩnh Phúc vào chiến trường miền Nam.
Phía bên trong, nhà trưng bày hiện vật được bảo tàng tỉnh bố trí ở 2 tầng, tổng diện tích 2.500m2 bao gồm không gian triển lãm, phòng trưng bày chuyên đề và 7 chủ đề trưng bày hiện vật qua từng thời kỳ lịch sử như: Vĩnh Phúc - Cảnh quan thiên nhiên, quê hương người Việt cổ; Đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc; Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Vĩnh Phúc từ đầu công nguyên đến năm 1930; Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Vĩnh Yên - Phúc Yên thời kỳ 1930 - 1945; Vĩnh Phúc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954); Vĩnh Phúc trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955-1975); Vĩnh Phúc trong thời kỳ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1976 đến nay).
Theo dòng thời gian, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại. Mỗi hiện vật được lưu giữ tại đây đều là một “nhân chứng” sống động.
Ở Bảo tàng tỉnh, các bộ sưu tập đặc biệt được lưu giữ là các bộ di cốt người Việt cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên; những vật dụng của con người qua các thời kỳ lịch sử bằng gỗ, giấy, kim loại; đồ dùng sinh hoạt gốm, sứ đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu; bảo vật Quốc gia Tháp gốm men chùa Trò; trang thiết bị vũ khí của người dân và của các chiến sĩ cách mạng...
Đây là những tư liệu, hiện vật quý hiếm có niên đại hàng nghìn năm, những tri thức bản địa đã tồn tại, song hành cùng dân tộc, những công cụ trong sinh hoạt, lao động, hiện vật chiến tranh đã trở thành những giá trị văn hóa, lịch sử.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh vệ sinh, bảo quản các hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Trà Hương
Để tạo nên sự phong phú, đa dạng cho gian trưng bày, hằng năm, Bảo tàng tỉnh đã tích cực triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiến tặng các hiện vật, tài liệu.
Qua vận động, các nhà sưu tầm cổ vật tư nhân, các nhân chứng lịch sử, gia đình cách mạng trong và ngoài tỉnh đã hiến tặng hàng trăm tài liệu, hiện vật kỷ vật chiến tranh. Chỉ tính trong năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm bổ sung được 224 hiện vật về nhiều chủ đề khác nhau.
Cùng với công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật, nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan, Bảo tàng tỉnh mở cửa chào đón du khách từ thứ 3 đến thứ 7 hằng tuần và thường xuyên tổ chức các đợt trưng bày theo chủ đề.
Phó trưởng phòng Thuyết minh tuyên truyền của Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Hải Yến cho biết: “Ước tính hằng năm, Bảo tàng tỉnh đón trên 40.000 lượt khách đến tham quan. Lượng khách đông nhất là vào những dịp lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước như Ngày giải phóng miền Nam 30/4; Quốc khánh 2/9; Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12…
Khách đến tham quan bảo tàng đa phần là học sinh, sinh viên tại các trường học trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Bên cạnh đó, nhiều đoàn cựu chiến binh đã đến đây tham quan và vô cùng xúc động khi thấy những hiện vật, phương tiện, hình ảnh gắn bó với người lính trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng”.
Đến tham quan Bảo tàng tỉnh, em Trần Minh Anh, học sinh Trường THCS Tô Hiệu chia sẻ: “Được tận mắt nhìn thấy những di vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng em cảm thấy như được đến gần hơn với lịch sử, những kiến thức lịch sử trên lớp trở nên gần gũi, sinh động hơn. Từ đó giúp em thêm trân trọng, tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc và phấn đấu học tập, có trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước”.

Học sinh Trường THCS Tô Hiệu tìm hiểu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Trà Hương
Ngoài việc trưng bày hiện vật tại phòng trưng bày của bảo tàng, vào các dịp lễ, kỷ niệm của tỉnh, của đất nước, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp tổ chức các đợt trưng bày lưu động theo chuyên đề.
Các chuyên đề để lại nhiều dấu ấn phải kể đến như: “Vĩnh Phúc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Nhà hát tỉnh; “Chi bộ đồn điền Tam Lộng - mốc son trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc” tại nhà truyền thống xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên; “Không gian di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan” tại thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô; “Ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc” lần thứ IX tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn…
Các buổi triển lãm được tổ chức không chỉ thu hút lượng lớn người dân trong, ngoài tỉnh mà còn có cả những vị khách quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, bảo tàng chính là nơi lưu giữ, nêu bật các chặng đường lịch sử, các mốc son quan trọng của tỉnh qua từng thời kỳ từ quá khứ đến hiện tại. Qua đó, giáo dục lịch sử, văn hóa cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải góp phần đắc lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Thảo My