Trên địa bàn tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phân bố rải rác ở một số huyện, thành phố như dân tộc Sán Dìu (Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên), dân tộc Dao, Cao Lan (Sông Lô)... Quá trình phát triển của các dân tộc thiểu số đã hình thành nên những loại hình văn nghệ dân gian đa dạng, đặc sắc, được lưu truyền, có sức sống mãnh liệt, bền lâu và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) có vốn văn hóa dân gian phong phú, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các gia đình người Dao nơi đây còn lưu giữ nhiều cuốn sách cổ, trong đó, phải kể đến cuốn sử thi ghi lại truyện “Đăng Hành” và “Bàn Đại Hộ”. Đây là những nhân vật huyền thoại được xem như ông tổ của người Dao.
Nhiều loại nhạc cụ của dân tộc Dao, xã Lãng Công (Sông Lô) được sử dụng với ý nghĩa biểu thị sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, coi trọng các giá trị truyền thống và tín ngưỡng dân gian. Ảnh: Kim Ly
Cuốn sử thi được các thế hệ người Dao trích thành nhiều cuốn sách nhỏ có nội dung khác nhau, điển hình như cuốn “36 đoạn ca từ và ca khúc” viết theo dạng thơ 7 chữ thường được các thầy cúng và mọi người hát trong lễ Cấp sắc, Tết nhảy.
Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào dân tộc Dao đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần như kèn, chiêng, trống, chũm chọe…
Các nhạc cụ thường được sử dụng trong các dịp lễ truyền thống của dân tộc, với ý nghĩa biểu thị sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, coi trọng các giá trị truyền thống và tín ngưỡng dân gian.
Ngoài ra, người Dao còn có điệu hát giao duyên truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Những câu hát giao duyên có giai điệu trầm đều, da diết, lời ca sâu sắc, tế nhị, thể hiện cách đối nhân xử thế khéo léo, song rất đỗi chân thành của người Dao.
Những đôi trai, gái hát giao duyên qua những lời ca, câu hát. Người Dao còn hát giao duyên để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho gia đình được ấm no, hạnh phúc.
Đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (Sông Lô) hiện còn lưu giữ làn điệu Sình ca cùng các điệu múa truyền thống đặc sắc. Sình ca là một thể loại dân ca trữ tình, đối đáp giao duyên, thể hiện sự linh hoạt ứng đối về giai điệu của người hát trong từng tình huống.
Những câu hát Sình ca với giai điệu du dương, trầm bổng, mang ý nghĩa giáo dục, ca ngợi tình cảm con người, làng bản, quê hương, đất nước. Các điệu múa “Lên nương”, “Phát rẫy”, “Cầu mùa”… tái hiện các hoạt động lao động hằng ngày như cày cấy, gieo hạt, chăm sóc cây trồng và thu hoạch mùa màng.
Các điệu múa không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và thiên nhiên đã mang lại mùa màng bội thu, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần lao động, tình yêu quê hương và sự gắn kết cộng đồng.
Các loại hình văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc khá phong phú, đa dạng, gồm các làn điệu dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ đặc trưng, các điệu múa truyền thống, văn học dân gian… Mỗi dân tộc duy trì và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Để gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số rất cần đến vai trò của các nghệ nhân. Các nghệ nhân là người am hiểu văn hóa dân tộc, say mê nghiên cứu và có nhiều đóng góp cho văn hóa dân gian.
Đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô) biểu diễn Sình ca tại các lễ hội truyền thống của địa phương. Ảnh: Kim Ly
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm, thôn Xóm Mới, xã Quang Yên là một trong những hạt nhân văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan. Ông là tác giả cuốn Trường ca Cao Lan, một cuốn sách ghi chép về lịch sử, văn hóa dân tộc Cao Lan bằng thể loại trường ca.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm cho biết: “Văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan khá phong phú gồm văn học, làn điệu Sình ca, dân vũ… Mỗi loại hình đều mang giá trị về lịch sử, văn hóa của cộng đồng. Ngày nay, người Cao Lan không chỉ duy trì thực hành các loại hình văn nghệ dân gian trong đời sống hằng ngày mà còn khai thác để phát triển du lịch cộng đồng”.
Văn nghệ dân gian phản ánh cuộc sống, ước vọng của người dân, thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc. Để văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số phát huy giá trị trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của văn nghệ dân gian trong đời sống.
Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn nghệ dân gian; giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn nghệ dân gian cùng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.
Bạch Nga