Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các quy trình thủ tục đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Ảnh: Chu Kiều
Xác định những hạn chế trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT - GPMB) là "điểm nghẽn" lớn nhất trong triển khai, thực hiện các công trình, dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 26/2/2021 về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác GPMB để thực hiện các dự án phát triển KT - XH trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát các quy định pháp luật hiện hành tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đơn giá bồi thường, hỗ trợ về quy trình, trình tự thực hiện BT - GPMB; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Để thực hiện tốt công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí GPMB cho các dự án; nguồn kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khi tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hàng năm cho công tác tham mưu văn bản chính sách pháp luật; trong việc xác định giá cụ thể tính bồi thường; đồng thời bố trí nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ UBND tỉnh giao; chủ động phối hợp với các tổ chức thực hiện BT - GPMB các huyện, thành phố trong công tác theo dõi, đôn đốc, giải quyết vướng mắc trong GPMB để kịp thời tham mưu UBND tỉnh.
Trong 4 năm (2021-2024), toàn tỉnh thực hiện GPMB được 409/548 dự án, công trình với diện tích đã GPMB hơn 4.268/6.468ha; tái định cư cho 564/1.631 hộ, đạt gần 66% so với kế hoạch cần GPMB các dự án, công trình. Trong đó, 3 năm (2021, 2022, 2023) kết quả đều đạt hơn 90% kế hoạch năm.
Riêng năm 2024, kết quả BT - GPMB chỉ đạt 38,7% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm, biến động lớn về công tác nhân sự trên địa bàn tỉnh; đồng thời, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngày 1/8/2024 với nhiều quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thay đổi so với Luật Đất đai năm 2013, các tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải rà soát triển khai lại các trình tự, thủ tục trong BT - GPMB.
Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng 20 khu tái định cư với tổng diện tích cần GPMB gần 35 ha phục vụ BT - GPMB các dự án có đất ở bị thu hồi với tổng kinh phí khoảng gần 500 tỷ đồng. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả rõ nét trong công tác GPMB đã tạo được bước đột phá trong thu hút đầu tư, nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như dự án cầu Đầm Vạc, cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, công tác BT - GPMB, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, là "nút thắt" trong việc triển khai các công trình, nhất là công trình giao thông có đặc thù thi công trải dài theo tuyến, đi qua nhiều địa phương.
Các thủ tục liên quan về đất đai tiếp tục chậm trễ do gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục đền bù, thu hồi, giao đất... ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án.
Đặc biệt, vẫn còn hơn 1,24 nghìn ha đất khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành công tác BT - GPMB, giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã gây ra sự khan hiếm quỹ đất sạch thu hút đầu tư và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tăng giá thuê đất trong KCN.
Trong đó, tại một số dự án trọng điểm, kết quả GPMB vẫn còn chậm tiến độ dẫn đến phải xin gia hạn thực hiện dự án như dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc; dự án KCN Sơn Lôi; các dự án đường giao thông liên quan đến địa bàn nhiều huyện, thành phố...
Việc giải quyết các tồn tại trong công tác GPMB đối với các dự án kéo dài nhiều năm, quá trình thực hiện BT - GPMB không đúng quy trình, trình tự vẫn chưa được xử lý dứt điểm như KCN Chấn Hưng; KCN Tam Dương II - Khu B; Trung tâm lễ hội Tây Thiên... Việc thực hiện tái định cư đối với các dự án phải triển khai đầu tư khu tái định cư vẫn còn chậm so với yêu cầu GPMB.
Để các công trình, dự án hoàn thành xây dựng, sớm đưa vào sử dụng, tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất thu hồi, trong đó, nêu cao vai trò công tác “dân vận khéo” của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương; chủ động phối hợp với chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác GPMB và giải quyết vướng mắc ngay trong quy trình thực hiện.
Tăng cường bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Giải quyết thỏa đáng, kịp thời đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản xây dựng, vật nuôi và cây trồng trên đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...
Lưu Nhung