Kỳ 1: Đập tan âm mưu phá hoại, bảo vệ sự ổn định xã hội
Chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại tổ chức hành chính, tiến tới sáp nhập một số bộ, ban, ngành, địa phương là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu lực quản lý, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng chủ trương này để bóp méo bản chất, tung tin thất thiệt, kích động tâm lý hoài nghi, gieo rắc lo sợ về việc “mất việc làm”, “suy yếu bộ máy”, từ đó chia rẽ nội bộ, gây mất ổn định xã hội. Trước tình hình đó, việc đấu tranh phản bác và bảo vệ sự thật trở thành nhiệm vụ cấp bách, không chỉ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn nhằm giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chia rẽ nội bộ bằng những luận điệu, chiêu trò chống phá
Tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, sáp nhập các sở, ngành, địa phương là bước đi tất yếu nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động chống phá, tung ra hàng loạt luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại sự ổn định xã hội.
Lợi dụng quá trình triển khai chính sách tinh giản biên chế và tổ chức lại bộ máy, các đối tượng phản động đã tung lên mạng xã hội, diễn đàn phi chính thống và cả một số cơ quan truyền thông nước ngoài những thông tin sai lệch, phiến diện.
Chúng dựng lên những luận điệu quen thuộc như: “cắt giảm bộ máy là triệt tiêu quyền lợi của cán bộ, công chức, đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp”; “sáp nhập các sở ngành sẽ khiến dịch vụ công rối loạn, người dân thêm khổ”; hay “tinh gọn bộ máy đồng nghĩa với suy yếu chính quyền”. Mục tiêu của chúng rất rõ ràng: khoét sâu vào tâm lý lo lắng của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân để tạo ra sự hoài nghi, bất mãn và từng bước làm rạn nứt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thực tế cho thấy, nhiều kênh truyền thông nước ngoài như BBC Tiếng Việt, RFA, VOA hay các hội nhóm phản động trên Facebook, YouTube đã lan truyền những bài viết, video mang nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật. Trên BBC Tiếng Việt, các bài viết thường cố tình làm nổi bật nguy cơ “mất việc” của cán bộ mà lờ đi các chính sách hỗ trợ, tái cơ cấu nhân lực rất nhân văn và có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Đài RFA thậm chí còn mời những “chuyên gia” tự phong để đưa ra bình luận phiến diện, kiểu như: “sáp nhập sẽ khiến bộ máy hỗn loạn, người dân thiệt thòi vì không được phục vụ đúng nhu cầu”.
Trên mạng xã hội, chiêu trò phổ biến là giả danh người trong cuộc để kể những câu chuyện đầy kịch tính về “số phận công chức bị ép nghỉ việc”, kèm theo hình ảnh, video cắt ghép, giật gân. Những nội dung này được lan truyền theo kiểu “đánh nhanh, lan rộng”, hướng tới những người thiếu thông tin chính thống, nhằm khuếch đại cảm giác bất an, mất niềm tin.
Âm mưu của các thế lực này không dừng ở việc gây rối thông tin. Chúng chủ đích tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ, phá hoại khối đoàn kết trong hệ thống chính trị, từ đó làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào thể chế. Đặc biệt, chúng tìm cách lôi kéo những cán bộ, đảng viên chưa kịp thích ứng với mô hình tổ chức mới, thổi phồng những điểm còn hạn chế thành vấn đề hệ thống, kích động tâm lý chống đối.
Trong thời đại số, mạng xã hội đã trở thành “vũ khí lợi hại” để các đối tượng thù địch phát tán thông tin sai lệch. Chúng sử dụng bài viết giả danh, dựng lên phát ngôn xuyên tạc, thổi phồng những chi tiết nhỏ để tạo nên những cơn “bão thông tin”. Một số đối tượng còn mạo danh “chuyên gia”, “người trong cuộc” để tạo hiệu ứng đám đông, dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực.
Nhận diện âm mưu, nâng cao cảnh giác
Trước tình hình đó, việc nhận diện rõ âm mưu và chiêu trò chống phá, nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin, không tiếp tay cho luận điệu xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào. Việc bảo vệ sự thật, bảo vệ uy tín của Đảng và ổn định xã hội không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là nghĩa vụ công dân trước vận mệnh quốc gia.
Chúng vẫn sử dụng những thủ đoạn quen thuộc là đánh vào tâm lý lo lắng, hoài nghi, nhất là với những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ quá trình tinh giản, sắp xếp. Chúng dựng lên hình ảnh người lao động bị thiệt thòi, phóng đại các tình huống cá biệt thành hiện tượng phổ biến, làm nhiễu loạn nhận thức xã hội. Thực chất, mục tiêu không chỉ là gây hoang mang, mà còn là tạo cớ để kích động tư tưởng chống đối, làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trong không gian mạng, việc phát hiện và ngăn chặn những thông tin sai lệch cần được thực hiện đồng bộ, từ chính quyền đến người dân. Không thể khoán trắng trách nhiệm cho cơ quan chức năng, càng không thể thụ động chờ xử lý. Mỗi cá nhân cần có kỹ năng nhận diện tin giả, biết phân tích logic, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ. Cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu, tuyệt đối không để bị cuốn theo những luận điệu mang tính xúi giục, phản động.
Đồng chí Ngô Duy Đông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Việc tinh gọn bộ máy không phải là giảm cơ học số lượng mà là nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, liên thông, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, hạn chế tổ chức trung gian, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách xuyên tạc, gây hoang mang, hoài nghi trong dư luận. Chúng ta cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương này, đồng thời chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù định, phản động, cơ hội chính trị. Với quyết tâm chính trị cao nhất, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả, bài bản chủ trương tinh gọn bộ máy, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn; cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.
Tinh gọn bộ máy là để phục vụ nhân dân tốt hơn, chứ không phải là sự cắt giảm vô trách nhiệm. Bất kỳ ai lấy điều đó làm cớ để xuyên tạc, bóp méo đều đang đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc nhận diện đúng âm mưu và hành động kịp thời là cách thiết thực để bảo vệ sự thật, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh thông tin trong kỷ nguyên số.
Giữ vững trận địa tư tưởng không phải là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể từ từng phát ngôn, từng cú nhấp chuột và từng lần lựa chọn tin tức để chia sẻ. Cảnh giác, tỉnh táo, hành động có trách nhiệm chính là tấm lá chắn hữu hiệu nhất trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Hoàng Cúc