Phương thức mua sắm hàng hóa trực tuyến đang trở thành xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện ích, việc mua hàng online cũng tiềm ẩn nguy cơ vàng, thau lẫn lộn mà người tiêu dùng cần cảnh giác để tránh "tiền mất tật mang".
Người tiêu dùng khi mua hàng online nên kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhận hàng. Ảnh: Thế Hùng
Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi nổi và ngày càng trở nên phổ biến. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ hàng hóa đa dạng, mua sắm dễ dàng; việc thay đổi, hoàn tiền trực tuyến cũng thuận tiện, nhanh hơn đáng kể so với trả hàng truyền thống.
Tuy nhiên, ngoài sự tiện ích, việc mua hàng online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi lẽ dù ở thị trường truyền thống, hay thị trường online thì bên cạnh những người làm ăn chân chính, vẫn có những người lợi dụng vào sự cả tin, thiếu hiểu biết của khách hàng để bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
Một trong những vụ việc liên quan đến thương mại điện tử gây chú ý gần đây là trường hợp của 2 nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội là Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục. Cả 2 bị xử phạt hành chính 70 triệu đồng mỗi người vì hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm kẹo rau củ Kera. Đồng thời bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra do có dấu hiệu phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Điều đáng nói là cả 2 đều được công chúng yêu mến và đặt niềm tin. Một người nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện, người còn lại gắn liền với hình ảnh đời sống du mục giản dị. Thế nhưng, chính họ lại lợi dụng niềm tin đó để tiếp tay quảng bá sản phẩm kém chất lượng, đánh đổi uy tín cá nhân lấy lợi nhuận, qua mặt hàng triệu người tiêu dùng với những lời lẽ có cánh nhưng thiếu kiểm chứng. Vụ việc là một hồi chuông cảnh báo đối với hoạt động mua sắm trên môi trường mạng, nơi mà niềm tin có thể dễ dàng bị lợi dụng.
Theo thông tin từ cơ quan quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… có chiều hướng gia tăng trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, tiktok…) ngày càng tinh vi, phức tạp.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý 22 vụ việc liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, với tổng số tiền xử phạt hành chính trên 560 triệu đồng.
Các vi phạm chủ yếu là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa nhập lậu….
Mặc dù những năm gần đây, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý, song cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, công tác kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa và xử lý vi phạm trong kinh doanh trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn.
Bởi lẽ, đây là phương thức phân phối hiện đại với số lượng người tham gia đông đảo và gần như không có rào cản. Thêm vào đó, các đối tượng bán hàng trên không gian mạng thường không có cửa hàng cụ thể. Việc đặt hàng và lấy hàng ở nhiều nơi khác nhau, sau đó sử dụng các đơn vị vận chuyển, chuyển phát, giao hàng thu tiền hộ. Trên đơn hàng không thể hiện tên, địa chỉ người bán.
Do đó, hơn ai hết, người tiêu dùng cần chủ động trang bị cho mình khả năng nhận diện và sàng lọc thông tin; chủ động tìm hiểu rõ ràng các thông tin liên quan đến người bán, nguồn gốc sản phẩm, mức giá, chế độ bảo hành cho đến chính sách đổi trả.
Hạn chế tối đa việc chuyển tiền trước khi nhận hàng, trừ khi giao dịch qua các nền tảng thanh toán uy tín, có khả năng bảo vệ người mua. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã xác thực OTP cho bất kỳ ai không rõ danh tính. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.
Sự tỉnh táo và chủ động của mỗi cá nhân chính là "tuyến phòng thủ" đầu tiên trước những chiêu trò quảng cáo tinh vi trên không gian mạng. Sự cẩn trọng không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần tạo nên một môi trường tiêu dùng lành mạnh, nơi mà niềm tin không bị lợi dụng.
Nguyễn Hường