Chuyển đổi số (CĐS) toàn diện; phát triển các mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng hệ thống dữ liệu mở; phát triển nguồn nhân lực số là các giải pháp được ngành Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh triển khai nhằm chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại; góp phần nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm, giúp người nông dân đa dạng phương thức tiếp cận thị trường.
Thực hiện nhiệm vụ CĐS, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tăng cường thông tin tuyên truyền, từng bước chuyển đổi tư duy, nhận thức của cán bộ toàn ngành, tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ về lợi ích của CĐS đối với trồng trọt, chăn nuôi.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, chú trọng xây dựng hạ tầng thông tin phục vụ CĐS; đầu tư 355 nút mạng, hơn 300 máy tính và trang bị đầy đủ hệ thống máy in, máy quét và các thiết bị cần thiết có kết nối internet phục vụ hoạt động, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Cổng thông tin điện tử của ngành thường xuyên đăng tải, cập nhật các bài viết về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất được nhiều nông dân theo dõi, áp dụng vào thực tế sản xuất giúp giảm thiểu chi phí về nhân công, đảm bảo cho cây trồng, đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển, tiết kiệm diện tích đất và bảo vệ môi trường sinh thái…
Hoạt động xây dựng dữ liệu số của ngành Nông nghiệp và Môi trường được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo tiến độ đề ra. Toàn ngành khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản dùng chung, hộp thư điện tử công vụ của tỉnh và hệ thống phần mềm nội bộ, phần mềm chuyên dụng.
Ứng dụng công nghệ số giúp mô hình trồng thanh long của gia đình anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (Lập Thạch) giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng. Ảnh: Trà Hương
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng công trực tuyến nhằm tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ văn bản mật) trên môi trường mạng của ngành đạt 100%.
Toàn ngành có 20% hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; hơn 13% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và quảng bá, bán sản phẩm trên môi trường mạng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS đã thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Nhiều nông dân đã mạnh dạn học tập và ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng thông minh.
Điển hình như mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất thanh long quy mô 4 ha của hộ anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (Lập Thạch). Được sự hỗ trợ của tỉnh và với đam mê tìm tòi, học hỏi anh Thành đã sử dụng hiệu quả hệ thống tạo nguồn nước và tưới nước tự động, hệ thống giám sát và bón phân tự động; hệ thống IoT giám sát và dự báo khí hậu nông nghiệp được kết nối internet trên máy tính và điện thoại thông minh qua phần mềm ứng dụng chuyên dùng.
Các phần mềm hiển thị thông số về diễn biến thời tiết, quá trình sinh trưởng, phát triển, nhu cầu tưới nước, bón phân của cây… giúp anh Thành theo dõi và kịp thời giám sát quá trình phát triển của cây, điều chỉnh các biện pháp chăm sóc phù hợp, cung cấp đầy đủ nước, các chất dinh dưỡng cần thiết, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Từ đó, giúp tăng năng suất, chất lượng quả thanh long.
Theo đánh giá, quá trình ứng dụng CĐS của mô hình đã giúp giảm 30% nhân công bón phân và tưới nước; giảm 30 - 40% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm nước, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, nâng cao giá trị sản xuất.
Cùng với các mô hình ứng dụng CĐS trong trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay, ngành Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn, Asa.trade triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký 165 gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, cấp 26 mã số vùng trồng trên một số cây trồng chủ lực như thanh long, chuối, ớt, bưởi… đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Newzelan, Trung Quốc và các nước EU; cấp 80 mã vùng trồng nội địa; 100% vùng trồng được đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường thực hiện số hóa hồ sơ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt chứng nhận OCOP lên phần mềm cơ sở dữ liệu OCOP của tỉnh…
CĐS là chìa khóa giúp ngành Nông nghiệp và Môi trường phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh CĐS, tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ số, năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp và Môi trường tăng cường nâng cao năng lực CĐS cho đội ngũ cán bộ; xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp và vận hành cơ sở dữ liệu môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản; triển khai dự án số hóa cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh.
Đồng thời, xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình áp dụng đồng bộ, công nghệ số trong sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP; mô hình áp dụng đồng bộ công nghệ số trong chăn nuôi lợn thịt quy mô 1.000 con…
Quỳnh Hương