Trước sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 (gọi tắt là HD-981) di chuyển và hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Khánh, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh.
P.V: Với vai trò là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí nhận định và đánh giá như thế nào trước sự việc trên ?
Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981và nhiều tàu vào biển Đông hoạt động thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 1/5 đến nay đã thu hút sự chú ý và quan ngại sâu sắc của mọi người dân trong nước, của dư luận quốc tế và những người làm công tác nghiên cứu lịch sử. Chúng ta đều thấy rõ việc làm này không những đi ngược luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước Việt – Trung mà còn làm tổn thương tình cảm của người dân Việt, đụng đến một điều thiêng liêng sâu thẳm trong lòng dân nước Việt đã kết tụ qua dòng lịch sử dài lâu: Lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ giữ gìn bờ cõi non sông cha ông để lại.

Đồng chí Vũ Khánh, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Vĩnh Phúc.
Lịch sử là quá trình của phát sinh, diễn biến và kết cục. Với cách nhìn lịch sử như thế, ta thấy sự việc trên đâu chỉ là nhất thời, đột biến ! Xâu chuỗi các sự kiện mới xảy ra gần đây cho đến cái nhìn xa về quá khứ: Xuyên suốt từ thời Tần – Hán liên quan đến nước Việt chúng ta vẫn là cách thức không xa lạ gì của đế chế phương Bắc: Viễn giao, cận công (Nước xa giao hảo, nước gần thì đánh chiếm), và Tàm thực (Tằm ăn lá dâu) mà Sử ký của Tư Mã Thiên đã chép rất rõ.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam luôn tôn trọng và làm hết sức mình để xây đắp quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc, nhưng, như tuyên bố của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “…lịch sử cũng chỉ ra rằng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu lùi bước trước mọi hành động xâm phạm đến chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và kiên quyết đấu tranh bảo vệ những quyền thiêng liêng đó”, giống như tinh thần lời hịch vài trăm năm trước của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ: “…sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ !” (…để cho biết rõ rằng nước Nam anh hùng là có chủ!)
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về việc ứng xử của Việt Nam trước sự kiện trên ?
Những ứng xử của Việt Nam trước sự kiện nói trên của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước với tinh thần mềm mỏng nhưng rất cương quyết đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế cũng như sự đồng thuận của nhân dân trong nước. Chứng kiến những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vừa rồi ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước và ở nhiều nước khác trên thế giới, có lẽ không chỉ những người làm sử có sự liên tưởng về câu nói của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tổng kết nguyên nhân thắng lợi của 3 lần chiến thắng quân Nguyên thế kỷ XIII mà Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đã ghi lại: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước gắng sức”. Với tinh thần ấy, không chỉ những người nghiên cứu lịch sử mà cả toàn thể nhân dân luôn tin tưởng sâu sắc rằng những âm mưu toan tính và hành động xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Việt Nam sẽ phải thất bại trước ý chí “đồng lòng, hòa mục” của toàn dân tộc trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền non sông, biển đảo, bờ cõi thiêng liêng. Vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"
P.V: Hội khoa học lịch sử Vĩnh Phúc có những đóng góp gì cùng với Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chính phủ và nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền Biển đảo của Việt Nam?
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa qua cũng đã ra Lời tuyên bố chính thức phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Là tiếng nói chung của giới Sử học cả nước, đó cũng là tiếng nói của hơn 100 hội viên Hội khoa học lịch sử Vĩnh Phúc. Chúng tôi sẽ tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều cách thức đến từng cá nhân Hội viên, trong đó có tạp chí “Vĩnh Phúc – Xưa & Nay” về tinh thần, quan điểm nhất quán, thái độ rõ ràng của giới Sử học nước nhà, phản đối và lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam qua hành động đơn phương vừa rồi đưa giàn khoan Hải Dương 981và nhiều tàu của Trung Quốc vào biển Đông hoạt động thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đặt mục tiêu bảo vệ Tổ Quốc lên trên hết, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử Vĩnh Phúc ủng hộ mạnh mẽ Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc đấu tranh với hành vi của Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và sẽ cố gắng hết sức mình trong nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, nhất là góp phần làm cho giới trẻ Vĩnh Phúc hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về lịch sử Việt Nam, lịch sử đất và người Vĩnh Phúc, như Bác Hồ đã nói “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, để từ đó có cơ sở khơi gợi lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc chính đáng, tất nhiên không phải là chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi. Qua đó, thể hiện trách nhiệm của những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, đóng góp cho cuộc đấu tranh chính nghĩa vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Xin cảm ơn đồng chí !
Hoàng Nga (Thực hiện )