Là tỉnh phát triển công nghiệp nên Vĩnh Phúc có hàng trăm doanh nghiệp sử dụng hóa chất sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, quản lý, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định pháp luật về quản lý hóa chất, an toàn hóa chất, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường.
Theo cán bộ Phòng Quản lý công nghiệp và kỹ thuật (Sở Công thương), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng nhóm hóa chất cơ bản ngành sơn, điện tử... phục vụ sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Để nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm và hiệu quả quản lý, sử dụng, kinh doanh hóa chất cho các doanh nghiệp, hằng năm, sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật mới về hóa chất, hướng dẫn thực hiện báo cáo hóa chất, ứng phó với sự cố hóa chất và các giải pháp an toàn hóa chất… với sự tham gia đầy đủ của đại diện các doanh nghiệp.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, từ chỗ trước đây chỉ có 50 doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp lớn) thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động hóa chất theo quy định, đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định này.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 60 doanh nghiệp tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất, có sự tham gia, chứng kiến của ngành Công thương. Qua đó, góp phần ứng phó nhanh chóng, hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất, giảm thiểu đáng kể rủi ro và đảm bảo cho người lao động, cộng đồng xung quanh và môi trường.

Tổ công tác liên ngành của tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định về hóa chất tại doanh nghiệp.
Công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng hóa chất tại các doanh nghiệp được ngành Công thương tăng cường phối hợp thực hiện. Cụ thể, trong năm 2024, Tổ công tác liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 12 đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động mua bán tiền chất (hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tác trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm...) như Công ty TNHH Jahwa Vina; Futurecore; Mirai industry; Interflex vina; Precision Technology Việt Nam…
Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp này có bảo quản, sử dụng Sunfuric Acid, Hydrocholoric Acid, Fomic Acid, Methyl ethyl ketone, Acetone, Toluen, Axit Acetic, Formamide…
Về cơ bản, các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm quy định về quản lý hóa chất, có áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa thất thoát hóa chất. Đối với các hóa chất hạn chế trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghiêm quy định về tồn trữ, vận chuyển, sử dụng, lập và lưu giữ phiếu kiểm soát mua, bán...
Hoạt động xuất nhập khẩu được các doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình; có hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đa số các công ty đều lưu trữ đầy đủ phiếu an toàn hóa chất, phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc hại; đã lập sổ theo dõi, xuất, nhập kho và kiểm soát số lượng sử dụng.

Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng nhóm hóa chất cơ bản ngành sơn, điện tử...
Khu vực lưu giữ hóa chất được bố trí tách biệt với khu sản xuất; kho chứa tiền chất công nghiệp có đầy đủ biển báo và bảng nội quy về an toàn hóa chất, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về phòng, chống cháy nổ; các công ty đều bố trí rãnh thu gom hóa chất đúng quy định...
Công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công nhân viên về các biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất được các doanh nghiệp quan tâm; một số đơn vị thực hiện lồng ghép việc ứng phó sự cố hóa chất trong các buổi huấn luyện kỹ năng cứu nạn, cứu hộ và phòng cháy, chữa cháy tại công ty.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH Protech Vina không thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động hóa chất hằng năm thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia theo quy định. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này với mức phạt tiền là 12 triệu đồng.
Nhờ làm tốt công tác quản lý, kiên quyết xử lý các vi phạm nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra bất kỳ sự cố hóa chất nào. Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng chất Xyanua cũng được cơ quan chuyên môn quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10 của Bộ Công thương về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, Sở Công thương đã có văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, an toàn hóa chất và các quy định khác có liên quan.
Chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hóa chất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ hóa chất hạn chế trên địa bàn quản lý.
Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế, đặc biệt là đối với chất Xyanua...
Bài, ảnh: Hà Trần