Thực hiện chuyển đổi số, ngành Giáo dục tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, học tập và quản lý. Trên cơ sở các nền tảng số, cán bộ, giáo viên đã cải tiến phương pháp giảng dạy, các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập, quản lý, tạo ra trải nghiệm mới mẻ cho học sinh, giáo viên, đồng thời tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành.
Trường THPT Đồng Đậu (Yên Lạc) tích cực ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, học tập. Ảnh: Dương Chung
Với các nền tảng số và kho dữ liệu số đa dạng, cô giáo Lê Thị Lan, giáo viên bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Trường THPT Đồng Đậu (Yên Lạc) đã “số hóa” lớp học, tạo nên một không gian học tập hiện đại cho học sinh.
Cô Lan chia sẻ: “Tôi sử dụng ứng dụng Padlet (một chiếc bảng trực tuyến) để thiết kế bài giảng. Ứng dụng đó có thể giúp tùy chỉnh các tiết học với việc thêm vào những video, hình ảnh, đường link, tài liệu bài học; đồng thời, học sinh cũng có thể tương tác, thêm thông tin, dữ liệu vào các bài giảng này.
Để giao bài tập củng cố và ôn tập kiến thức, tôi sử dụng phần mềm Quizizz, một nền tảng số cho phép người dùng tự tạo hoặc sử dụng những trò chơi học tập có sẵn, mang tính tương tác cao, kết hợp việc giải trí và tiếp thu kiến thức giúp học sinh trở nên hào hứng hơn.
Ngoài câu hỏi trắc nghiệm thông thường, phần mềm có nhiều trò chơi để đánh giá kiến thức như điền từ (fill in the blank), sắp xếp (reorder), kéo thả (drag & drop), câu hỏi tự luận (open-ended questions)…
Việc đánh giá, kiểm tra kết quả bài học được thực hiện một phần trên nền tảng Azota, với nhiều file PDF và các câu hỏi được soạn sẵn, có thể tùy biến theo nhu cầu người dùng, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên dễ dàng tạo các đề thi, bài tập trực tuyến. Học sinh có thể dễ dàng sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động và đa số các em đều rất hào hứng với việc học tập, ôn luyện và kiểm tra trên các nền tảng này”.
Hoạt động ứng dụng CNTT, nền tảng, dữ liệu số trong giảng dạy, học tập luôn được các thầy, cô giáo Trường THPT Đồng Đậu tích cực thực hiện với nhiều phương pháp đa dạng như khai thác dữ liệu từ kho bài giảng E-learning, sử dụng bài giảng điện tử, sử dụng các phần mềm trên nền tảng số phục vụ các hoạt động trong giờ học…
Nhiều giáo viên đã có những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực để ứng dụng CNTT vào giảng dạy như ứng dụng công nghệ AI nhằm phát triển năng lực và tăng hứng thú học tập môn Ngữ văn; sử dụng TikTok để phát triển kỹ năng nói tiếng Anh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, phần mềm trực tuyến trong giảng dạy, xây dựng kho học liệu số môn Công nghệ Nông nghiệp để nâng cao hứng thú và chất lượng môn học…
Trong công tác quản lý, các ứng dụng, nền tảng số, phần mềm dữ liệu dùng chung được các nhà trường ứng dụng hiệu quả, phục vụ đắc lực công tác quản lý, điều hành.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Hải Lựu (Sông Lô) cho biết: “Trường mầm non Hải Lựu có hơn 400 trẻ, 30 giáo viên, trường có 2 điểm trường cách nhau gần 10km nên việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm để quản lý, điều hành giúp công việc được thuận lợi, hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn.
Căn cứ theo khung chương trình, thời gian năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuần, tháng, năm và số hóa thông tin, dữ liệu, đưa lên hệ thống dữ liệu dùng chung để giáo viên theo dõi, nắm bắt. Thông tin về học sinh được nhà trường số hóa và cập nhật trên hệ thống dữ liệu liên thông của ngành Giáo dục.
Hiện, tôi đã được cấp và sử dụng chữ ký số, đây là một công cụ giúp quá trình quản lý, điều hành nhanh chóng, thuận tiện hơn. Trước đây, tôi phải dành 2-3 tiếng mỗi ngày để in, duyệt và ký các văn bản, chứng từ kế toán, giải quyết chế độ… cho cán bộ, giáo viên.
Từ khi sử dụng chữ ký số, tôi chỉ mất khoảng 30 phút để xem, duyệt và ký chuyển hồ sơ, giấy tờ ngay trên máy tính, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển tài liệu”.
Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực như quản lý qua hệ thống quản trị nhà trường (gồm dữ liệu về trường học, lớp, giáo viên, học sinh, điểm, học bạ…) tại http://smas.edu.vn và được đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GDĐT có địa chỉ truy cập http://csdl.moet.gov.vn.
Đẩy mạnh việc xây dựng bài giảng điện tử, ứng dụng CNTT trong giảng dạy; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; sử dụng văn bản điện tử, sổ sách học bạ, sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông, kỹ thuật số trong dạy học và quản lý giáo dục, khuyến khích thí điểm các mô hình giáo dục số phù hợp như mô hình giáo dục điện tử, lớp học, thư viện số; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành…
Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy, học và đánh giá; chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục. Đồng thời, thực hiện các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng CNTT.
Thùy Linh