Với những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp, phong trào thi đua dân vận khéo ở huyện Sông Lô đã tạo sự đồng thuận của nhân dân. Qua đó tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Người dân thôn Đồng Dong, xã Quang Yên (Sông Lô) tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Dương Hà
Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô thống nhất quan điểm chỉ đạo triển khai phong trào thi đua dân vận khéo gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, địa phương, các cuộc vận động, chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào thi đua yêu nước.
Trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo khối dân vận cơ sở chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo; xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh... Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 34 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực.
Với cách làm bài bản, bám sát thực tiễn, phong trào thi đua dân vận khéo đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều việc mới, việc khó ở cơ sở được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời vận động nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa...
Nổi bật là phong trào thi đua dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần tự giác, tính chủ động của người dân, sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Đường làng thôn Mới, xã Quang Yên (Sông Lô) luôn được vệ sinh sạch đẹp. Ảnh: Dương Hà
Các địa phương lựa chọn, nhân rộng mô hình dân vận khéo phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, tạo sự đồng thuận, phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như mô hình nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu ở thôn Tân Lập, xã Đôn Nhân; mô hình vận động nhân dân xã hội hóa xây dựng khuôn viên nhà văn hóa ở thôn Lê Lợi, xã Nhân Đạo; mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ủng hộ xây dựng đường điện tại thôn Đồng Sinh, xã Tân Lập...
Từ các mô hình dân vận khéo đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến hết tháng 12/2024, trên địa bàn huyện Sông Lô có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí; 2 xã đạt 17/19 tiêu chí; 7 xã đạt 16/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Phong trào thi đua dân vận khéo ở Sông Lô đã phát huy nội lực, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 9.728,9 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 63,5 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6%.
Thanh Tuyền