Cuộc sống ở La Rinconada - nơi gần bầu trời không lãng mạn như tưởng tượng khi người dân phải chịu cảnh thiếu oxy, ô nhiễm thủy ngân.
La Rinconada ở đông nam Peru là thành phố "gần bầu trời nhất" với độ cao 5.100 m so với mực nước biển. Thị trấn có khoảng 11.000 cư dân, chủ yếu làm công việc khai thác mỏ. La Rinconada sở hữu mỏ vàng cao nhất thế giới nên nhiều người vẫn chọn tới đây làm việc dù phải đối mặt tình trạng hô hấp khó khăn.
Vị trí quá cao khiến lượng oxy ở thị trấn này giảm còn khoảng 50% so với nơi gần biển. Những người mới tới đây sẽ gặp tình trạng buồn nôn, nhức đầu và cần một tháng để thích nghi.
La Rinconada không có hệ thống thoát nước do sự phát triển nhanh chóng và thiếu quy hoạch bởi cơn sốt vàng. Vị trí hẻo lánh và độ cao càng khiến phát triển cơ sở hạ tầng trở nên khó khăn. Tình trạng ô nhiễm thủy ngân ở đây cũng trầm trọng vì hoạt động khai thác mỏ. Ảnh: Breaking Borders
Nhiệt độ cao nhất tại La Rinconada khoảng 11 độ C và thấp nhất có thể dưới âm 11 độ C. Mức nhiệt trung bình chỉ khoảng hơn 1 độ C nên người dân phải mặc áo ấm quanh năm.
Vấn đề an ninh càng khiến La Rinconada khác xa tưởng tượng về một "thiên đường gần bầu trời". Nơi này bị nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới với tên "thị trấn không luật pháp". Việc đi lại trên đường phố buổi đêm cực kỳ nguy hiểm nếu không có cảnh sát hộ tống.
Tại các tiệm đổi vàng lấy nhu yếu phẩm, chủ hàng phải dựng lớp rào chắn đề phòng cướp. Tuy nhiên, số ít khách du lịch mạo hiểm vẫn tìm tới đây và thị trấn cũng có đủ trường học, khách sạn, quán bar, nhà hàng, nhà thờ.
Tháng 12/2023, travel vlogger Thổ Nhĩ Kỳ Ruhi Cenet đã tới La Rinconada để làm video trải nghiệm. Ấn tượng đầu của anh là hàng tấn rác la liệt khắp nơi. Khi đi trên phố một lúc, anh gần như kiệt sức và phải quay về khách sạn để ủ ấm, hít oxy trong bình.
Một trong những thứ kỳ dị nhất ở La Rinconada là ba bức tượng "ông tổ" trong trang phục thợ mỏ. Người dân cúng cho các "ông tổ" nhiều lễ vật như đồ lót phụ nữ, thuốc lá nguyên điếu, máu để cầu tài lộc.
(Theo Vnexpress)