Tiếp nối thành công của năm 2024, năm 2025 được kỳ vọng là năm bứt phá của ngành Du lịch với nhiều tín hiệu tích cực. Để thu hút du khách đến với Vĩnh Phúc, các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch mới.
Lễ hội kéo Song, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan, cổ vũ. Ảnh: Kim Ly
Ngay từ đầu năm, hàng nghìn du khách từ khắp các tỉnh, thành phố hành hương về khu danh thắng Tây Thiên - miền đất Phật để thăm quan, chiêm bái.
Chị Nguyễn Lan Anh, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đến Tây Thiên vào dịp đầu năm mới là trải nghiệm đáng nhớ của gia đình tôi. Đến đây, chúng tôi được hòa mình vào không gian linh thiêng, ngắm nhìn phong cảnh núi rừng uy nghiêm, hùng vĩ, khám phá những nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Vĩnh Phúc, nhất là tục thờ Mẫu Tây Thiên và tìm hiểu về phong tục đón Tết cổ truyền của người dân bản địa, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương. Chúng tôi dâng hương lễ Phật, lễ Mẫu, bày tỏ tấm lòng thành kính và cầu mong ơn trên phù hộ cho gia đình mình một năm mới bình an, hạnh phúc”.
Chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên) là một trong những điểm du Xuân hấp dẫn du khách trong những ngày đầu năm mới. Từ ngày mùng 1 Tết, người dân và du khách đã đến chùa lễ Phật, cầu một năm mới an lạc, cát tường. Trung bình mỗi ngày, chùa đón hàng nghìn lượt khách đến chiêm bái. Khuôn viên chùa được bố trí nhiều cụm tiểu cảnh với gam màu đỏ chủ đạo để phật tử và du khách thăm quan, chụp ảnh lưu niệm. Nhiều người viết ước nguyện vào sợi dây đỏ và buộc lên cành cây với hy vọng những điều ước nguyện sẽ trở thành sự thật.
Bà Bùi Thị Mai (Vĩnh Yên) chia sẻ: "Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Năm nào tôi và gia đình cũng đến chùa Hà Tiên để lễ Phật, vãn cảnh chùa, cầu cho tâm được an tịnh. Đi chùa cũng là cách để tâm hướng thiện, làm việc tốt, tránh xa việc ác, việc xấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức".
Năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc đón 10,6 triệu lượt du khách, doanh thu 4.000 tỷ đồng. Tiếp nối những thành công năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc năm 2025 hứa hẹn phát triển với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm. Riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn tỉnh ước đón gần 210.000 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024, bao gồm khách thăm quan du xuân, khách du lịch kết hợp chơi golf và khách lưu trú. Lượng khách lưu trú đa số là khách du lịch nội địa tập trung chủ yếu ở 3 khu du lịch: Tam Đảo, Tây Thiên và Đại Lải. Doanh thu ước đạt hơn 132 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ nhu cầu vui Xuân, đón Tết của người dân, du khách. Khu du lịch Tam Đảo phát triển nhiều loại hình du lịch mới như dù lượn, cà phê âm nhạc… thu hút đông đảo du khách, nhất là du khách trẻ.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Tsubame (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Ngay trong những ngày đầu năm mới, công ty đã khởi động nhiều tour và hợp tác với các đơn vị lữ hành ở các tỉnh, thành phố trên cả nước quảng bá các tour thăm quan lễ hội, chiêm bái, lễ chùa vào dịp đầu Xuân. Năm 2025, công ty nghiên cứu thị trường, đa dạng các sản phẩm du lịch, tập trung vào các tour du lịch thăm quan các địa điểm nổi tiếng, tour golf, du lịch hội nghị, hội thảo; kích cầu các tour du lịch nội địa và outbound bằng việc triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao để quảng bá du lịch và thu hút du khách đến Vĩnh Phúc; đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP để tạo điểm nhấn cho du lịch Vĩnh Phúc”.
Năm 2025, du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu đón hơn 12 triệu lượt du khách, trong đó, khách quốc tế hơn 10 nghìn lượt, doanh thu đạt trên 4.500 tỷ đồng.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, ngành Du lịch đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó, tập trung vào những sản phẩm đặc thù như du lịch golf, hội nghị, hội thảo, văn hóa, sinh thái và du lịch mạo hiểm; tăng cường khai thác tiềm năng du lịch tại các vùng đặc trưng, đặc biệt là khu vực các xã dưới chân núi Tam Đảo và các khu di sản văn hóa của tỉnh.
Tiếp tục chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành Du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến, hỗ trợ khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái số phục vụ khách hàng và doanh nghiệp đảm bảo tính bền vững; định hướng phát triển xanh trong các mô hình kinh doanh du lịch; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa và ngoại ngữ… Qua đó, thu hút ngày càng đông du khách đến với Vĩnh Phúc, từng bước khẳng định vị thế của Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Bạch Nga