Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, song, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn lực triển khai, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội (ASXH), nâng cao thu nhập và phúc lợi cho nhân dân, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã dành hơn 1.500 tỷ đồng thực hiện công tác ASXH. Các chính sách ASXH ngày càng mở rộng độ bao phủ, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền và được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt, giúp đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông…; hỗ trợ phát triển sản xuất đảm bảo việc làm thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân.
Bệnh viện Quân y 109 khám sức khỏe miễn phí cho đối tượng chính sách xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Ảnh: Kim Ly
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 43.400 người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả bình quân mỗi năm khoảng 330 tỷ đồng. Nhiều năm liền, Vĩnh Phúc luôn nằm trong tốp các địa phương có mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất cả nước và cao hơn so với quy định của Trung ương. Vĩnh Phúc cũng là 1 trong 4 tỉnh, thành trên cả nước ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù, tạo cơ hội cho người nghèo, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có thu nhập thường xuyên. Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai, thực hiện hiệu quả. Chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động sự chung tay, ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để thực hiện các chương trình, hoạt động hướng về cộng đồng, bảo đảm ASXH. Nhờ đó, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,43%, hoàn thành mục tiêu trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với công tác ASXH còn được thể hiện qua việc luôn ưu tiên, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19, dành nguồn kinh phí từ ngân sách hơn 140 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh năm học 2024 - 2025. Đây là chủ trương rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với công tác ASXH, tạo điều kiện tốt nhất cho con em nhân dân được học tập, góp phần chia sẻ, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với các bậc phụ huynh.
Các chế độ, chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng tiếp tục được triển khai, thực hiện kịp thời. Năm 2024, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về việc tặng quà tri ân đối với NCC với cách mạng, cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); Nghị quyết số 09 về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với NCC với cách mạng và hỗ trợ hằng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và NCC với cách mạng, bảo đảm NCC và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên.
Gia đình bà Hoàng Thị Đường, thôn 8, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: Kim Ly
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Vĩnh Phúc luôn quan tâm triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ASXH, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề tại một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão gây ra; tập trung rà soát, thống kê thiệt hại của người dân để có phương án hỗ trợ phù hợp; kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp; bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn và một số nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, nhất là các hộ ở vùng bị ngập sâu; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường; tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với những gia đình bị thiệt hại, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống cho người dân…
Với sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, công tác ASXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống các chính sách ASXH ngày càng đồng bộ, bao trùm trên mọi lĩnh vực, mọi đối tượng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Hướng tới mục tiêu ASXH toàn dân, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền để triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm ASXH, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về công tác ASXH; thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng…
Phương Anh