2024 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bước vào Xuân mới 2025, quy hoạch tỉnh được kỳ vọng mở ra không gian phát triển với tầm nhìn mới, khát vọng mới, đưa Vĩnh Phúc bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Với quan điểm phát huy giá trị bản sắc văn hóa, phát triển con người Vĩnh Phúc “Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới” là yếu tố nền tảng tạo động lực phát triển của tỉnh; quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050 Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống; quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thành phố Vĩnh Yên phát triển xứng tầm đô thị trung tâm. Ảnh Khánh Linh
Không gian phát triển của tỉnh được định hình thành 3 vùng liên huyện. Trong đó, vùng liên huyện trung tâm bao gồm thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ). Là vùng có cửa ngõ quan trọng kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; trung tâm hành chính, chính trị và là động lực phát triển của tỉnh, trung tâm phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, logistics của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Hồng.
Vùng liên huyện phía Tây bao gồm huyện Sông Lô và Lập Thạch. Là trung tâm phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ; vùng sản xuất nông nghiệp lớn, công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa và du lịch.
Vùng liên huyện phía Bắc bao gồm huyện Tam Đảo, xã Trung Mỹ thuộc huyện Bình Xuyên và xã Ngọc Thanh thuộc thành phố Phúc Yên. Là vùng phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa thể thao, có vai trò quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với ngành chăn nuôi…
Cùng với không gian phát triển, quy hoạch cũng định hướng rõ ràng, cụ thể việc phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong đó, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng “Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững”.
Vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân golf, dịch vụ thể thao, giải trí…; các ngành, lĩnh vực khác đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Nguyễn Đạm chia sẻ: Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa lớn lao bao trùm lên toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng tỉnh trong kỳ quy hoạch.
Là thành viên trong Hội đồng phản biện quy hoạch của tỉnh, chúng tôi đánh giá rất cao chất lượng quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc bởi ở đó đã có nhiều nhà khoa học lớn, các giáo sư, tiến sĩ khoa học, các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch tại các bộ, ban, ngành ở Trung ương, cùng với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia nhiệt thành trong quá trình lập và trình duyệt quy hoạch. Có thể nói, quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc chắc chắn sẽ là động lực mãnh liệt về khát vọng phát triển, vươn mình hướng đến giàu mạnh, phồn vinh của Vĩnh Phúc trong tương lai.
Nguyễn Khánh