Niềm tin của nhân dân đối với Đảng là niềm tin khoa học, được thực tiễn thử thách, rèn đúc mà nên. Đảng ta xác định niềm tin của nhân dân đối với Đảng là tài sản vô giá, là nhân tố làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Điểm tựa của niềm tin
Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy, khi nào “vua sáng, tôi hiền”, trên dưới “hòa mục”; vua quan tâm đến dân, lấy dân làm gốc, thực thi chính sách “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”… thì khi ấy vương triều được dân tin, nước nhà vững mạnh. Khi lòng dân đã tin theo thì “xã tắc yên như núi Thái Sơn, cơ đồ vững như bàn thạch”. Trái lại, khi nào triều chính nhiễu nhương, gian thần lộng hành, ăn chơi sa đọa, tham lam vơ vét, coi thường dân chúng... Nghĩa là khi “chính sự phiền hà”, “để trong nước lòng dân oán hận” thì khi đó vương triều đã không được lòng dân, đánh mất niềm tin nơi dân và tất yếu vận nước lâm nguy.
Ví như, dù nhà Hồ có thành cao, hào sâu, quân đông đến trăm vạn mà “lòng dân không theo”, nên không chỉ đại bại trước quân Minh xâm lược, mà cơ nghiệp cũng mất, xã tắc cũng chẳng còn như lời của Tả tướng Hồ Nguyên Trừng đã chỉ ra. Thấm thía bài học thất bại của nhà Hồ, Nguyễn Trãi không chỉ lấy đó làm răn cho sự nghiệp gây dựng, mở mang nhà Hậu Lê, mà còn đúc kết thành bài học sâu sắc: “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”.
Khắc ghi những lời dặn của cha ông và thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã lấy mục tiêu vì dân, vì nước mà chiến đấu hy sinh. Do vậy, Đảng đã khẳng định được uy tín, niềm tin trong nhân dân, xứng đáng với truyền thống con cháu Rồng - Tiên; đã trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng và được nhân dân thừa nhận.
95 năm sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã chứng minh một chân lý, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền không phải tự nhiên mà có, không phải tự nhận mà được, càng không phải được do tranh cử như các đảng cầm quyền ở nhiều nước mà nên. Sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng ta là do có đường lối chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị kiên cường; là kết quả của cả quá trình Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đã nêu gương chiến đấu hy sinh, nếm mật nằm gai để chứng tỏ được uy tín, niềm tin của mình đối với nhân dân và được nhân dân thừa nhận.
Tuổi trẻ hôm nay vững tin theo ngọn cờ của Đảng.
Thực tiễn những thành quả mà Đảng đem lại, được người dân thấu hiểu chỉ có Đảng lãnh đạo, đất nước ta mới giành được độc lập dân tộc, dân ta mới thật sự được tự do, mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đã tạo nên dấu ấn, một niềm tin mãnh liệt trong nhân dân. Đó là niềm tin khoa học và cách mạng của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đạt được những thành tựu rực rỡ, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Không mơ hồ, khoan nhượng với “thứ giặc” làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng
Một bài học đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, đó là: “Càng gần thắng lợi thì càng gặp nhiều khó khăn”. Soi chiếu bài học đó vào công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới hiện nay cũng vậy. Khi đất nước càng đạt được những kỳ tích trong sự nghiệp đổi mới, Việt Nam phát triển và lớn mạnh không ngừng, được cả thế giới ngưỡng mộ… thì cả giặc “nội xâm” và “ngoại xâm” dưới những biểu hiện mới lại xuất hiện với tính chất gay go, phức tạp và nguy hiểm hơn. Nếu bản lĩnh không vững vàng, nhận thức không đúng đắn sẽ dẫn đến mất niềm tin và bị kẻ địch lợi dụng thì sự nghiệp cách mạng của Đảng, thành quả của nhân dân, cơ đồ của đất nước và chế độ sẽ trở nên nguy cấp.
Đó là tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực lại nảy sinh từ một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống. Họ không giữ mình được trong sạch trước những “viên đạn bọc đường”, nên đã sa vào chủ nghĩa cá nhân. Hệ quả đề cao lợi ích cá nhân nên đã không chỉ gây nên những thiệt hại kinh tế, xã hội, mà còn là nguyên nhân của sự giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Điều lo lắng hơn hết là những thông tin, vụ việc nổi cộm khó tránh khỏi những bàn tán, dư luận nhiều chiều, gây tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là đối với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Và nguy hại hơn là những vụ việc này luôn bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị “chộp lấy”, “té nước theo mưa” để thổi phồng, xuyên tạc, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, hòng mục đích gây xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây thực sự là những cơn “sóng dữ”, liên tiếp tác động vào niềm tin của nhân dân.
Nếu mỗi người dân thiếu tỉnh táo, không nhận rõ các “thứ giặc” cố tình chia rẽ Đảng với nhân dân, không “vững tay chèo” vượt qua “thác ghềnh” thì niềm tin sẽ bị giảm sút, nguy hiểm hơn là “mất niềm tin”. Nếu vậy, thì những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đề ra sẽ không thể đạt được và đó sẽ là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng triệt để chống phá, mà bài học xương máu về sự thiếu tỉnh táo, bình tĩnh trong xử lý của nhân dân đã gây nên sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vẫn còn nguyên giá trị với mỗi người dân và cả dân tộc ta hiện nay.
Quyết tâm giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; trong nước, bên cạnh những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới, Đảng, nhân dân ta đang đứng trước nguy cơ lớn là tình trạng quan liêu, xa rời nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, tham nhũng, tiêu cực gây bất bình trong xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng; các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này tìm đủ mọi chiêu trò phá hoại, công kích hòng gây chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng là phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn thể dân tộc.
Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chỉnh huấn Đảng là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu thường xuyên qua từng thời kỳ cách mạng với những mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp thực hiện khác nhau. Đảng ta nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, to lớn của nhân dân, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong toàn hệ thống chính trị, ở mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đối với các cơ quan Trung ương tinh, gọn, mạnh, hiệu quả với phương châm “Trung ương làm gương - Địa phương hưởng ứng”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hát về Đảng quang vinh. Ảnh: PHÚ SƠN
Xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương nói đi đôi với làm, thân dân và trọng dân. Người cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân. Gần dân là để học dân, nghe dân nói, đó là phương châm của người cán bộ, đảng viên. Gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh, lắng nghe tâm tư, ý kiến của dân. Từ đó xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận để mọi người dân chung sức, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với kết quả cao nhất…
Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Cơ chế đó phải quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức Đảng các cấp, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chủ trì, chủ chốt cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc dựa vào dân để xây dựng Đảng. Tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng và của địa phương, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Mỗi người dân là một chiến sĩ, xung kích, đấu tranh với các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch là cách thể hiện niềm tin của mình với Đảng, với tương lai của mình và tiền đồ tươi sáng của dân tộc.
Vấn đề quan trọng là, phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh nguy hiểm, là “giặc nội xâm”, gây bất bình, mất niềm tin trong nhân dân, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do đó, cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao nhất, mạnh mẽ, quyết liệt, triệt để và hiệu quả hơn nữa. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động đấu tranh phòng ngừa, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Lịch sử dân tộc đã chứng minh, những lúc vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, cảnh đất nước bị chia cắt, kẻ thù hung bạo bủa vây bốn phía hay trong lúc sự nghiệp đổi mới vừa mới đơm hoa, kết trái thì chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới và ở nước ta bị uy hiếp nghiêm trọng… mà dân ta vẫn một lòng sắt son với Đảng, đồng lòng hướng theo ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chủ nghĩa xã hội. Vậy nên, khi cơ đồ, thế và lực của nước ta ngày nay đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần thì tất yếu niềm tin vào Đảng không thể bị chuyển lay.
Tạ Ngọc (Theo qdnd.vn)