Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi.
Đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ.
Tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Cụ thể, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, minh bạch hoá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường và trách nhiệm giải trình của các cấp, nhất là người đứng đầu; xoá bỏ cơ chế xin - cho; tiếp tục triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các Luật về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…); điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, không chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Triển khai hiệu quả đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Đổi mới, sắp xếp, nâng cao mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện, đổi mới hình thức cấp ngân sách nhà nước theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Có cơ chế, chính sách đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có nền tảng vững chắc về tư tưởng chính trị, chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và dám đưa ra những giải pháp đột phá, nhất là trong xử lý những tình huống phức tạp, điểm nghẽn; có cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ, công chức làm việc, cống hiến, vì lợi ích chung.
Thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8-10-2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết kịp thời tố cáo, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, trọng tâm là các nhiệm vụ thuộc "Đề án xây dựng cơ chế xử lý vật chứng tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, vụ việc".
Tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo về phòng, chống lãng phí do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Khẩn trương sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, dự án BOT, dự án bất động sản tồn đọng, kéo dài. Hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội và Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn.
Thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, nhất là khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025.
Bình Duyên (Theo Tạp chí xây dựng Đảng)