Thực hiện việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3, các địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ, “3 sẵn sàng”; phát huy tốt mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, ứng phó kịp thời các tình huống, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; bảo đảm cho phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Trước bão - sẵn sàng ứng phó
Ngay khi bão số 3 xuất hiện, dự báo có nguy cơ gây thiệt hại nặng khi đổ bộ vào đất liền, để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp ứng phó với bão số 3. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân gặt lúa trước nguy cơ ngập lụt do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các nội dung như theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án đảm bảo an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập...
Thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3; tổ chức rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng.
Xác định các công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công tình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước, chủ động tiêu nước đệm để đón lũ.
Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão; vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông.
Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h trong thời gian có mưa lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố đã chủ động kiểm tra, đôn đốc và có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn hạ tầng đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tại các điểm xung yếu trọng điểm trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền. Ngay trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng thực hiện các biện pháp ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, cẩn trọng nhất.
Trong bão - chủ động, kịp thời, hiệu quả
Do ảnh hưởng của bão số 3, đêm mùng 9, rạng sáng 10/9 trên địa bàn huyện Sông Lô có mưa to đến rất to. Nước sông Lô ở mức báo động và tiếp tục dâng cao khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng, nhà cửa có nguy cơ bị chìm trong nước. Ngay trong đêm 9/9, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, 20 hộ dân tại các xã Đức Bác, Hải Lựu, Bạch Lưu, Đôn Nhân đã được sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn.
Lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ được huy động kịp thời đảm bảo an toàn cho những tuyến đê trong mưa lũ.
Ngày 10/9, dưới ảnh hưởng của mưa bão và hoàn lưu bão số 3, nước sông dâng cao khiến 170 hộ dân trên địa bàn xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch bị ngập. Ngay trong đêm, xã Sơn Đông đã huy động toàn bộ lực lượng giúp người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Đến 9h30 phút cùng ngày, 100% hộ dân bị ngập đã cơ bản di dời xong. Một số tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt và sạt lở đã được phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt. Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi nước dâng cao, các nhà trường đã thông báo tới phụ huynh đến đón con về nhà.
Khoảng 7 giờ ngày 11/9, cống Cầu Triệu nằm trên hệ thống đê hữu sông Phó Đáy (địa phận xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch) bị bục cánh cống do nước sông Phó Đáy dâng cao. Sự cố khiến nước sông tràn vào trong đê, gây ảnh hưởng đến các thôn Làng Bèo, Hùng Sơn, Lam Sơn của xã Triệu Đề.
Nhận định nếu không khắc phục kịp thời, sự cố sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ các xã phía Nam của huyện Lập Thạch, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Lập Thạch đã tổ chức ứng trực và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ban, ngành liên quan đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo xử lý. Đến sáng 12/9, với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, sự cố bục cánh cống Cầu Triệu trên đê hữu sông Phó Đáy cơ bản được khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của những hộ dân sống ven đê.
Hơn 7h ngày 11/9, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Nguyễn Văn Hải nhận được điện của Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên, nội dung ngắn gọn: Tập trung lực lượng tại chỗ, khẩn cấp hỗ trợ xã Sơn Đông. Đúng 20 phút sau, đoàn xe chở 60 thành viên lực lượng tại chỗ của xã Xuân Hòa đã xuất phát hướng về xã Sơn Đông để tăng cường, hỗ trợ người dân vùng rốn lũ.
Đến đêm 11, rạng sáng 12/9, tuyến đê tả sông Lô chạy qua địa bàn xã Như Thụy, huyện Sông Lô xuất hiện 4 mạch sủi và 5m thẩm lậu. Ngay lập tức, hàng trăm người dân địa phương phối hợp cùng lực lượng chức năng gia cố đê, xử lý sự cố mạch sủi. Đến 4h sáng cùng ngày, những sự cố đã được xử lý an toàn, giúp tuyến đê tả sông Lô đoạn qua xã Như Thụy ổn định.
Đó là những minh chứng khẳng định sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” đã giúp các địa phương trong tỉnh giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
“Để chủ động ứng phó với mưa bão và hoàn lưu bão số 3, địa phương đã xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế. Có kế hoạch bổ sung nhằm đảm bảo đủ trang bị, phương tiện thiết yếu phục vụ cần thiết để có thể huy động kịp thời khi có rủi ro thiên tai xảy ra.
Cùng với đó, xây dựng phương án cụ thể trong việc tổ chức di dời, bảo vệ người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Nhờ thực hiện nghiêm túc “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” là phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, xã Phương Khoan đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Từ đó, góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra” - Chủ tịch UBND xã Phương Khoan Đinh Công Trình chia sẻ.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ