Nhằm chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH trên cơ sở cân đối các nguồn lực, tính toán các tác động bên trong cũng như bên ngoài, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra, UBND huyện đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Lập Thạch đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4110/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2010). Trên cơ sở đề án quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện, UBND huyện đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu qủa phát triển công nghiệp, TTCN và ngành nghề nông thôn, coi đây là lĩnh vực đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, tập trung khai thác mọi nguồn lực đất đai, vị trí địa lý, nguồn nhân lực để thu hút nguồn đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp. Huyện xác định: Trước mắt phải chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch: coi đây là công tác cần thiết và cấp bách nhất, đòi hỏi phải đi trước một bước, làm tốt từ công tác quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết, kết hợp quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn, gắn quy hoạch đồng bộ các khu cụm công nghiệp và các khu du lịch, dịch vụ. Triển khai việc cung cấp đầy đủ, chi tiết các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận thông tin và có cơ chế đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện. Chủ động tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, khai thác tốt mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, ưu tiên lựa chọn những dự án có công nghệ cao, dự án sử dụng nhiều lao động và khai thác nguyên, nhiên liệu tại chỗ, không gây ô nhiễm môi trường... xây dựng môi trường đầu tư bền vững. Tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở, tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường GTNT để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp. Chủ động phối hợp với ngành điện tổ chức quy hoạch, nâng cấp hệ thống mạng lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát triển công nghiệp. Đầu tư nâng cấp trung tâm dạy nghề của huyện thành Trường Trung cấp nghề huyện Lập Thạch nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại chỗ cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính theo đề án 30 của Chính phủ, nâng cao hiệu qủa trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính các cấp từ huyện đến xã, từ đó giải quyết nhanh, dứt điểm, đúng pháp luật các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đầu tư phát triển công nghiệp...Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm chễ, hoặc cố tình gây cản trở cho các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào địa bàn huyện. Tại Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo, định hướng cho huyện Lập Thạch phát triển lĩnh vực công nghiệp theo hướng đa dạng sản phẩm hàng hóa và quy mô sản xuất, quy mô hộ gia đình và nhóm hộ gia đình gắn với nông nghiệp nông thôn. Khôi phục và đầu tư chiều sâu các ngành nghề truyền thống, trên cơ sở khôi phục và mở rộng các nghề TTCN, làng nghề sẵn có, đồng thời, xây dựng thêm các làng nghề mới, du nhập thêm các ngành nghề tiểu thủ công mới từ địa phương khác vào huyện. Phát triển các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, sơ chế, chế biến nông lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng, sửa chữa cơ khí, điện, điện tử cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản thực phẩm... Triển khai quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp Lập Thạch I diện tích 150 ha thuộc địa bàn các xã: Văn Quán, Xuân Lôi, Đình Chu; Khu công nghiệp Lập Thạch II diện tích 250 ha tại các xã: Xuân Lôi, Tiên Lữ, Tử Du, Bàn Giản; Các cụm công nghiệp bao gồm: Cụm công nghiệp thị trấn Lập Thạch diện tích 8 ha; cụm công nghiệp Triệu Đề diện tích từ 1-3 ha; cụm công nghiệp Thái Hòa - Bắc Bình diện tích 9 ha... Ngày 21-6-2013, khu công nghiệp Lập Thạch II đã chính thức được UBND huyện Lập Thạch công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, theo đó khu công nghiệp Lập Thạch II được quy hoạch trên địa bàn 2 xã Bản Giản và Đồng Ích với tổng diện tích 111,501ha. Trong đó, đất công trình công cộng dịch vụ khu công nghiệp là 15 ha; đất phát triển công nghiệp là 75,63 ha gồm 8 lô; còn lại là đất đầu mối kỹ thuật, đất cây xanh, đất giao thông... Về hạ tầng kỹ thuật, bản quy hoạch chi tiết khu công nghiệp chỉ rõ từng nội dung về quy hoạch san nền, giao thông, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cấp điện, hệ thống cấp, thoát nước... Việc hình thành khu công nghiệp Lập Thạch II sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu quỹ đất để xây dựng các xí nghiệp sản xuất công nghiệp cho công ty, doanh nghiệp. Theo tính toán, khi khu công nghiệp Lập Thạch II chính thức đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động địa phương và các vùng lân cận; góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng, lập quy hoạch và chỉ đạo UBND thị trấn Lập Thạch triển khai công tác GPMB tại cụm công nghiệp thị trấn Lập Thạch (phục vụ dự án đầu tư xây dựng nhà máy cơ khí chính xác Cosmos), đến nay, toàn bộ diện tích trên 7 ha thuộc địa bàn tổ dân phố Long Cương đã được thị trấn hoàn tất việc GPMB, đổ đất san nền sẵn sàng cho các nhà đầu tư. Huyện cũng tiến hành lập quy hoạch cụm công nghiệp xã Triệu Đề và cụm công nghiệp các xã Bắc Bình- Thái Hòa... Các điều kiện về hạ tầng cơ sở như: điện, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc... cũng đã được huyện đầu tư, nâng cấp hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Việc triển khai các giải pháp đồng bộ trong quá trình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu quỹ đất để xây dựng các xí nghiệp sản xuất cho công ty, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào địa bàn huyện. Đồng thời, khi các khu cụm công nghiệp chính thức đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận; từ đó góp phần phát triển công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện. Lập Thạch đã sẵn sàng đón nhận cơ hội cho phát triển công nghiệp. Ngô Tuấn Anh |